"Ngày đặc biệt" ấy...

Nhị Hà 18:37, 29/04/2023

Những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lại trở về nguyên vẹn trong mỗi người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện, hồi ức trong các trận chiến là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi nhắc nhớ, tri ân.

Những tấm huân, huy chương được Đại tá Bùi Viết Từng giữ gìn cần thận.

Cuộc hành quân thần tốc

Trong cuộc đời binh nghiệp gần 40 năm, Đại tá Bùi Viết Từng (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 1) đã tham gia nhiều trận đánh ở Bắc Lào, cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 và quan trọng nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm chiến trận thì nhiều, nhưng đáng nhớ hơn cả với ông là cuộc hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Bùi Viết Từng kể: Tháng 3/1975, tôi là Thượng úy, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Thông tin. Đơn vị đang đóng tại Thanh Hóa thì được lệnh hành quân vào Nam. Các xe ca được huy động để chở toàn bộ Sư đoàn 312 vào Đông Hà. Từ đây, mọi người lên xe quân sự đi vòng qua phía Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào đến khu vực ngã ba Đông Dương. Xe đi liên tục suốt ngày đêm, chỉ dừng lại nơi nào có suối để lấy nước nấu cơm rồi lại mang lên thùng xe ăn. Lúc ấy đang là mùa khô nên bụi đất mù mịt, có khi đồng đội chỉ nhận ra nhau qua đôi mắt.

Lúc này, Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Đơn vị được lệnh xuống xe từ ngã ba Đông Dương để hành quân bộ vào khu vực Đông Nam Bộ. Mỗi ngày đi bộ khoảng 50km, quân tư trang và đồ dùng không cần thiết đều bỏ lại để không làm chậm tiến độ hành quân.

Tại Thủ Dầu Một, Sư đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh vòng ngoài, ở hướng Đông Bắc của Sài Gòn. Bắt đầu bằng việc giải phóng khu trại giam Phú Lợi; đánh sư đoàn bộ binh 5 của ngụy tại Lai Khê - Bến Cát và chặn đường 13 của địch hành quân từ phía Bắc vào Sài Gòn.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 5 của địch. Tại đây, tôi chứng kiến tên Chuẩn tướng sư đoàn trưởng Lê Nguyên Vỹ đã tự sát, trên ngực áo có tờ giấy ghi dòng chữ: Tiền, tiền, tiền/nhục, nhục, nhục.” - Ông Từng kể.

Chiếc ca làm từ mảnh đạn là kỷ vật chiến trường của Đại tá Bùi Viết Từng.

Hỏi về cảm xúc khi biết tin giải phóng Sài Gòn, Đại tá Bùi Viết Từng xúc động: “Là lính thông tin nên tôi là người đầu tiên trong đơn vị biết tin Dương Văn Minh đầu hàng. Niềm vui không thể nói nên lời, nước mắt cứ thế trào ra. Tôi đứng lên hô vang cho tất cả biết, mọi người đồng loạt giơ súng lên trời nổ những loạt đạn ăn mừng chiến thắng”.

Khí thế cho trận đánh cuối cùng

Thời điểm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đúng nghĩa là một tân binh. Ông kể: “Tôi nhập ngũ tháng 2/1975, đang bắt đầu huấn luyện thì nhận lệnh tổng động viên, sau đó hành quân một mạch vào đến địa phận tỉnh Bình Phước bây giờ”.

Khí thế ra trận khi đó được ông Bình ghi lại qua những câu thơ: “Những chàng trai xa quê/Áo còn nguyên màu lá/Ngây thơ, trong sáng quá/Hát vang đường hành quân/Sài Gòn ngày một gần/Tiếng thập thình vọng lại/Xuống xe hành quân bộ/Cắt xuyên rừng Trường Sơn/Đói khát… súng đạn bên/Chiến dịch đang giục bước/Mùa Xuân cùng chiến công...”.

Đến địa phận Đồng Xoài, Trung đoàn 64 thuộc Quân đoàn 1 của ông Bình tiếp tục thực hiện huấn luyện cho chiến sĩ mới, chủ yếu là kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn và dò mìn. Đêm 26/4/1975, đơn vị được lệnh vượt sông Bé để đánh vào Tân Uyên.

Là lính công binh, ông Bình có nhiệm vụ dò mìn, đào đắp hầm và công sự phục vụ chiến dịch. Khí thế tiến công như vũ bão khiến mọi lo lắng trước đó tan biến hết. Sau khi giải phóng Tân Uyên, các mũi quân tiến thẳng về hướng Sài Gòn. “Trên đường hành quân nhận nhiệm vụ chốt giữ cầu Bình Triệu, chúng tôi thấy bà con ở 2 bên đường ùa ra báo tin chiến thắng. Quân tư trang nặng trĩu trên lưng bỗng trở nên nhẹ bẫng, tôi ùa tới cùng chung vui với tất cả mọi người.” - ông Bình xúc động nhớ lại.

Trở về địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (bên trái), luôn tích cực tham gia công tác xã hội, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các hội viên.

Vỡ òa niềm vui chiến thắng

Với tất cả những người lính, giây phút nghe tin chiến thắng cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn để lại cảm xúc không thể nào quên. Càng đặc biệt và tự hào hơn khi được trực tiếp tiến vào dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Cựu chiến binh Bùi Quang Tình, hiện ở xóm Làng Mai, xã Phấn Mễ (Phú Lương), là một trong những người có được vinh dự đó.

Thời điểm tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Tình là lính trinh sát, thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Ông là người đã phối hợp với Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận hạ lá cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa xuống và kéo lá cờ cách mạng lên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, báo hiệu miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ông Tình kể: Sáng 30/4/1975, nhờ có người dẫn đường nên Đại đội 6 của chúng tôi là lực lượng bộ binh đầu tiên cùng đơn vị xe tăng thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Tôi vác khẩu B40 ngồi trên chiếc xe tăng 843 do Trung úy, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy. Lúc chạy lên dinh Độc Lập, tới chỗ cắm cờ, tôi thấy anh Bùi Quang Thận kéo lá cờ của Việt Nam cộng hòa xuống để tháo ra nhưng vì nó bị buộc quá chặt nên anh phải dùng răng cắn. Thấy vậy, tôi đến gần, rút dao găm ra giúp anh cắt mối buộc. Sau đó, anh Thận lấy cần ăng ten xe tăng đã chuẩn bị sẵn buộc cờ giải phóng vào. Xong đâu đấy, toan kéo lên thì anh lại hạ xuống, đặt lên đùi và viết lên góc lá cờ: “11 giờ 30 phút, Thận treo cờ”.

Những thông tin trên được xác nhận trong cuốn tư liệu “Vài nét về Sư đoàn Vinh Quang” (Sư đoàn 304). Ông Tình bảo: "Đó là giây phút xúc động và đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời của tôi cùng tất cả đồng đội”.

Ký ức hào hùng và kỷ niệm xúc động trong thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chắc chắn còn đọng lại mãi trong tâm trí của ông Tình và những người lính dạn dày trận mạc.

Tháng Tư lịch sử, cùng các cựu chiến binh ôn lại ký ức hào hùng năm xưa như thêm một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc.