Đồng minh nhưng không đồng thuận

14:04, 18/03/2015

Các nước Tây Âu và Mỹ có nhiều quan điểm bất đồng về việc áp đặt, sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Qua sự kiện nhiều khu vực của đất nước Ukraina đòi ly khai, vô tình đã trở thành một sự kiểm chứng về việc Mỹ đang đánh mất dần vai trò của một cường quốc, vốn lâu nay vẫn được coi là giữ vị thế chỉ huy đồng minh.

Chính các nước châu Âu cũng bộc lộ sự chia rẽ nội khối, có nhiều quan điểm không đồng thuận trong việc trừng phạt Nga và những vấn đề liên quan đến Ukraina. Anh chống Nga kịch liệt, Đức và Pháp có thái độ mềm dẻo hơn.

 

Đầu tháng 3-2015, có một vấn đề báo hiệu châu Âu muốn hạn chế lệ thuộc vào Mỹ đó là người đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) Jean Claude Juncker đưa ra đề xuất thành lập lực lượng quân đội chung của các nước thành viên EU. Đức là quốc gia lớn nhất - đầu tàu kinh tế châu Âu - ủng hộ nhiệt thành nhất việc xây dựng liên minh quân đội đa quốc gia. Nếu những dự định này trở thành hiện thực thì đây sẽ là một tổ chức, một thể chế quân sự độc lập với NATO (hầu hết các thành viên EU lại là thành viên của NATO).

 

Đối với châu Âu, lý do họ viện dẫn về việc muốn thành lập quân đội riêng là vì tình hình và trật tự thế giới có nhiều biến động phức tạp, thay đổi, châu Âu muốn có quân đội của riêng mình để có điều kiện chủ động, phản ứng nhanh, linh hoạt tấn công kẻ thù và phòng thủ khi các thành viên bị mất ổn định về an ninh quốc gia. Họ cho rằng xây dựng quân đội chung của khối sẽ giảm bớt chi phí quân sự của nhiều nước thành viên và có thể sử dụng chung các loại vũ khí, khí tài quân sự khi có sự cố xảy ra, hoặc chống khủng bố.

 

Nhưng dư luận thế giới có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau về vấn đề này, đa số ý kiến cho rằng châu Âu dự tính xây dựng quân đội riêng là vì muốn hạn chế sự lệ thuộc vào Mỹ. Việc châu Âu đưa ra kế hoạch xây dựng quân đội riêng tại thời điểm này có thể do những biến động của Ukraina, một trong những yếu tố khách quan làm cho EU muốn hợp thức hóa mục tiêu của mình - có thể coi là hợp lý nhất. Tuy nhiên nếu EU muốn triển khai thực hiện được kế hoạch này thì phải chuẩn bị rất lâu dài, phức tạp.

 

EU có trên 500 triệu dân, chiếm gần 30% GDP thế giới (khoảng 20 nghìn tỷ USD). Trong  7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới thì châu Âu chiếm 4 thành viên (Anh, Pháp, Đức, Italia). Hiện nay, các nước EU có tổng cộng trên 1,5 triệu quân; có nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ sản xuất vũ khí, khí tài, có lực lượng quân sự chuyên nghiệp, hiện đại.

 

Về an ninh quốc phòng, bấy lâu nay châu Âu có cái “ô’’ bảo vệ của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Hiện nay, duy chỉ có liên minh quân sự, chính trị này là hùng mạnh nhất, lớn nhất thế giới. NATO có 28 quốc gia thành viên, trong đó chỉ có Mỹ và Canada là ở châu lục khác, còn hầu hết là các quốc gia châu Âu (trong số các nước NATO có 12 quốc gia Đông Âu từng là thành viên Hiệp ước Warszawa trong thời kỳ Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa chưa sụp đổ).

 

Chúng ta biết rằng nguyên nhân sự ra đời của NATO là nhằm liên minh bảo vệ các thành viên, chống sự ảnh hưởng của các nước cộng sản. Trong những thập niên giữa thế kỷ XX, khối NATO và khối Warszwa là hiện thân của cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử nhân loại, các loại vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí nguyên tử, hóa học, sinh học) ra đời từ thời điểm đó. Tuy nhiên, sau khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì NATO vẫn không ngừng củng cố và phát triển, kết nạp thêm nhiều thành viên.

 

Khối NATO chiếm 70% tổng chi phí quân sự của toàn thế giới (trong đó Mỹ chiếm 50%, Anh, Pháp, Đức, Italia chiếm trên 15%, còn lại là sự đóng góp của các thành viên khác). Nhìn vào số liệu đóng góp về tài chính và nguồn nhân lực thì khó có thể nói các thành viên NATO có quyền bình đẳng. Mỹ vẫn là chủ lực, có nghĩa rằng rất nhiều việc của khối này vẫn do Mỹ quyết định. Có thể đó là lý do chính khiến châu Âu muốn có quân đội của riêng mình.

 

Ý tưởng về việc châu Âu thành lập quân đội riêng dĩ nhiên là khiến cả Mỹ và Nga không hài lòng. Mỹ không muốn các thành viên trong khối liên minh quân sự của mình lại là thành viên của một tổ chức quân sự độc lập với NATO. Nga không muốn các cấu trúc quân sự hiện tại bị phá vỡ, vì như vậy ngoài NATO thì Nga lại có thêm một tổ chức quân sự đối trọng.

 

Trong khoảng gần hai thập niên qua, Nga và NATO vừa hợp tác vừa đấu tranh: hợp tác vì vai trò không thể thiếu của đôi bên trong việc phối hợp xử lý một số vấn đề toàn cầu, giải quyết những điểm nóng xung đột trên thế giới, chống khủng bố… Nhưng hai bên cũng luôn bất đồng, Nga phản đối NATO kết nạp các thành viên Đông Âu và phản ứng gay gắt việc NATO triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu (Nga cho rằng đó là hành động leo thang quân sự nhắm vào Nga).