Vẫn giữ vững lập trường nhưng để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga và Trung Quốc, ông Pence đã làm tròn vai khi thay ông Trump dự các hội nghị ở châu Á.
Cuộc gặp bất ngờ của ông Pence và lãnh đạo Nga, Trung Quốc
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc trong chuyến thăm châu Á tuần trước nhưng các nhà lãnh đạo này đã chủ động gặp ông và họ đã có những cuộc nói chuyện với nhau bên lề các Hội nghị Cấp cao ở châu Á. Trong các cuộc trò chuyện ngắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Pence đã khẳng định quan điểm của Mỹ về các vấn đề liên quan đến can thiệp bầu cử, Triều Tiên và căng thẳng thương mại cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp diễn ra vào tuần sau giữa Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo này.
Phó Tổng thống Pence đã đại diện Tổng thống Trump tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Singapore và Hội nghị APEC tại Papua New Guinea. Đây được coi là những chuyến đi nhằm tái khẳng định vai trò của Mỹ với các đồng minh trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà ông Trump thông báo tại các hội nghị này năm 2017.
Phó Tổng thống Pence và Tổng thống Putin đã có 3 cuộc trò chuyện ngắn tại hội nghị ở Singapore. Ngày đầu tiên, họ trao đổi những lời chào hỏi lịch sự tại bữa tiệc tối ASEAN. Ngày hôm sau, trước khi cuộc họp đông đủ các thành viên diễn ra, ông Putin đã bước tới vỗ vai ông Pence và ngồi bên cạnh Phó Tổng thống Mỹ. Hai người đã có một cuộc trao đổi nhanh với nhau. Ông Putin đề nghị Nga có thể hỗ trợ Mỹ xử lý vụ cháy rừng ở California. Ông Pence thì xác nhận với Tổng thống Nga rằng ông Trump sẽ gặp ông tại hội nghị G20 sắp tới tại Argentina.
Sau khi phiên họp toàn thể kết thúc, hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ hội ý riêng với nhau khoảng 15 phút với các nhân viên, phiên dịch viên và bảo vệ đứng quanh họ. Ông Pence thẳng thắn trao đổi với ông Putin về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên trang Washington Post, ông Pence cho biết: "Tôi nhìn ông ấy và nói: "Chúng tôi biết những điều đã xảy ra năm 2016. Như Tổng thống đã nói với ông, chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra’".
Dù Tổng thống Nga khẳng định Nga không làm sai bất cứ việc gì nhưng ông Pence vẫn kiên quyết tin vào những cáo buộc của mình.
Ông Pence sau đó nói với ông Putin về tầm quan trọng của việc Nga nên áp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Triều Tiên trong giai đoạn quan trọng trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần tới diễn ra. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng đề xuất một số vấn đề ông muốn thảo luận với ông Trump tại Argentina như vấn đề Syria và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung.
Cũng ngày hôm đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp ông Pence khi hai người cùng rời khán đài sau khi chụp xong bức ảnh tập thể ASEAN. Ông Lý Khắc Cương muốn thảo luận với Phó Tổng thống Mỹ về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Thủ tướng Trung Quốc nhắc ông Pence nên nhớ rằng Trung Quốc là một "quốc gia đang phát triển", do đó Bắc Kinh nên nhận được sự đối xử đặc biệt về thương mại.
"Chúng tôi trao đổi riêng ở một góc và sau một phút im lặng, tôi nhìn ông ấy và nói: "Mọi thứ đều phải thay đổi’", ông Pence chia sẻ.
Ông Lý Khắc Cường ngạc nhiên trước câu trả lời từ phía Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ sau đó đã bày tỏ rõ quan điểm của nước này rằng: Hội nghị G20 là cơ hội tốt nhất để Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với một đề nghị thực sự nhằm chấm dứt các hoạt động công nghiệp và thương mại bất bình đẳng.
"Ông nên khuyến khích Chủ tịch Tập Cận Bình hãy tận dụng tối đa cơ hội này ở Argentina", ông Pence nói với ông Lý.
Buối tối 17/11, ông Pence cũng khẳng định lại quan điểm này với ông Tập Cận Bình tại Papua New Guinea khi 2 nhà lãnh đạo ngồi gần nhau ở bữa tiệc giao lưu APEC.
Ông Pence “đi trên dây” cân bằng quan hệ với Nga và Trung Quốc
Nhìn lại những gì Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thể hiện tại các hội nghị, người ta có thể thấy ông Pence đã phải "đi trên dây" để cân bằng trong cách giải quyết các mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Phó Tổng thống Pence phải truyền đi những thông điệp cứng rắn một cách rõ ràng nhưng cũng đồng thời phải "để ngỏ" cánh cửa đối thoại với các nước này, cũng như không được thể hiện bất kỳ sự khác biệt nào trong quan điểm giữa ông và Tổng thống Trump.
Trong suốt các chuyến thăm, bất cứ khi nào ông Trump nhắc về Trung Quốc, những nhân viên của Phó Tổng thống đều nhanh chóng thêm những lời bình luận ấy vào các bài phát biểu của ông Pence.
"Ông Pence đã làm điều mà ông Trump hiếm khi thực hiện. Đó là vẫn giữ vững quan điểm nhưng cũng đồng thời trấn an những lo ngại của các đối tác an ninh và vẽ ra một tầm nhìn rõ ràng cho chính sách ngoại giao Mỹ", phóng viên Toluse Olorunnipa trang Bloomberg nhận định.
Olorunnipa nói: "Trong khi các nhà lãnh đạo ASEAN lắng nghe chăm chú những điều ông Pence nói thì với ông Trump, nhiều người thường phấp phỏng chờ đợi Tổng thống Mỹ sẽ làm gì để phản đối họ".
Một số người cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không hài lòng khi ông Trump không xuất hiện tại các hội nghị nhưng thực tế là họ hài lòng với sự xuất hiện của ông Pence. Ông Trump thường coi những nghi thức ngoại giao là nhàm chán và phiền phức. Có lẽ, cử ông Pence dự thay các hội nghị là một sự sắp xếp "cùng thắng" (win – win) cho cả hai người và có thể là cho cả nước Mỹ./.