Cuộc bầu cử Thượng viện của Nhật Bản diễn ra hôm qua (21/7), nhằm lựa chọn 124 nghị sĩ mới. Thượng viện Nhật Bản hiện gồm 242 thành viên, trong đó 50% nghị sĩ sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 28/7 tới. Trong số này, 73 nghị sĩ được lựa chọn từ 47 khu vực bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu, 48 nghị sĩ sẽ được bầu theo phương thức đại diện tỷ lệ.
Liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang nắm giữ hơn 2/3 số ghế ở Hạ viện, nhưng chưa có đủ 2/3 số ghế ở Thượng viện để bảo đảm thông qua các quyết định quan trọng tại Quốc hội. Chính vì thế, cuộc bầu cử lần này của Thượng viện Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ tướng Abe Shinzo.
Thắng lợi nhưng không đạt 2/3 số phiếu
Đúng 20h tối hôm qua (21/7), 47000 điểm bỏ phiếu trên toàn Nhật Bản đã đóng hòm phiếu, kết thúc bầu cử Thượng viện lần thứ 25 của Nhật Bản.
Theo kết quả cuối cùng công bố vào sáng sớm hôm nay, đảng liên minh cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) và đảng Công Minh (Komei) đã giành được 71/124 ghế (trong đó đảng LDP 57 ghế, đảng Công minh 14 ghế). Ngoài ra, một số đảng khác cũng đạt số ghế cao hơn mong đợi như đảng Cộng sản 7 ghế, đảng Duy tân 9…
Như vậy, đảng liên minh cầm quyền của ông Abe đã không đạt được 2/3 số phiếu như mong đợi. Nhưng đây cũng là thắng lợi lớn trong bối cảnh nhiều vấn đề trong nước và quốc tế đang gây áp lực cho đảng này ngay cả trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Hiện tại, các ứng cử viên trúng cử của các đảng phái trên toàn Nhật Bản đang tiến hành họp báo thông báo trúng cử cũng như những việc mình cần làm với tư cách là Thượng nghị sĩ.
Tỷ lệ đi bầu cử lần này thấp hơn so với cuộc bầu cử lần trước diễn ra vào năm 2016 và chỉ đạt 48,80%. Điều này thể hiện người dân Nhật Bản đang không mặn mà lắm với chính trị.
Thủ tướng Abe Shinzo sẽ kéo dài nhiệm kỳ 4?
Thắng lợi của đảng liên minh cầm quyền và cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo tại cuộc bầu cử Thượng viện lần này không gây bất ngờ nhiều cho dư luận trong và ngoài nước.Tuy nhiên, nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời gian tới đối với vai trò của đảng cầm quyền trong việc tiếp tục thực hiện những chính sách nhằm xây dựng một xã hội Nhật Bản tốt đẹp hơn.
Thứ nhất, thắng lợi phản ánh việc cá nhân ông Abe kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012 tới nay đã gây dựng được uy tín bền vững thông qua những chính sách cải cách kinh tế, thúc đẩy phúc lợi xã hội đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, giúp Nhật Bản cải thiện đời sống cho người dân.
Thứ hai, trong bối cảnh Nhật Bản những năm gần đây đối diện với những vấn đề lớn như thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, dân số già hóa, xã hội thay đổi…khiến kinh tế Nhật Bản suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, đảng liên minh cầm quyền đã chứng minh được một điều rằng đã ổn định được kinh tế-xã hội, duy trì mức tăng trưởng, giảm lạm phát. Điều này thể hiện vai trò trụ cột và khả năng điều hành đất nước có hiệu quả của đảng và cá nhân Thủ tướng Abe.
Thứ 3, thắng lợi lần này sẽ giúp ông Abe tiếp tục thực hiện những chính sách gây ảnh hưởng vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế, củng cố quan hệ đồng minh Nhật Bản-Mỹ. Theo đó, Nhật Bản sẽ tham gia sâu hơn vào vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác với Mỹ trong vấn đề đảm bảo an ninh biển Đông, hay là cải thiện mối quan hệ Nhật-Hàn đang căng thẳng…
Thứ tư là giúp ông Abe củng cố và có nhiều khả năng kéo dài thêm nhiệm kỳ thứ 4 trong tương lai.
Tổng thư ký đảng LDP, ông Nikai trong cuộc họp báo sau khi bầu cử Thượng viện kết thúc cho rằng nhiều thắng lợi lần này có thể sẽ giúp ông Abe có cơ hội kéo dài nhiệm kỳ thứ 4 của mình.
Áp lực từ thắng lợi
Kết quả của bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần này cho thấy sự tín nhiệm của cử tri dành cho Thủ tướng Abe Shinzo cũng như liên minh cầm quyền. Đây là điều thuận lợi. Tuy nhiên, thắng lợi từ cuộc bầu cử lần này cũng gây áp lực cho Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và liên minh cầm quyền trong việc lãnh đạo đất nước thời gian tới.
Trên thực tế, ngay cả trước khi cuộc bầu cử Thượng viện được tiến hành, Thủ tướng Abe Shinzo đã đối mặt với những vấn đề lớn mà nhân dân và các đảng phái đối lập đặc biệt quan tâm đó là duy trì xã hội Nhật Bản như thế nào khi dân số già ngày càng tăng?, việc tăng thuế tiêu dùng từ 8 lên 10% từ 1/10 năm nay, cải cách điều 9 của Hiến pháp liên quan đến sự tham gia của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một số trường hợp khẩn cấp khi các nguy cơ chiến tranh trên thế giới xảy ra.
Trong cuộc bầu cử lần này các đảng phái tập trung vào các vấn đề chủ yếu tăng thuế tiêu dùng hay không tăng? Cải cách Hiến pháp hay không?
Ngay sau khi bầu cử kết thúc, hàng loạt các tổ chức, cơ quan truyền thông đã tiến hành điều tra dư luận về vấn đề này.
Dựa trên kết quả điều tra của NHK cho thấy, 36% tán thành việc cải cách Hiến pháp, 33% không tán thành. 43% số người tán thành tăng thuế tiêu dùng, 57% không tán thành.
Nhưng các đảng phái đối lập lại hoàn toàn phản đối 2 vấn đề trên. Như vậy, đảng liên minh cầm quyền và cá nhân Thủ tướng Abe vẫn phải tiếp tục giải quyết những vấn đề vừa nhằm ổn định chính trị, vừa thúc đẩy cải thiện đời sống của người dân. Đây là vấn đề phải đối mặt thường xuyên và có lẽ không có thời gian cụ thể để ấn định./.