Liên hợp quốc kêu gọi lập chính phủ thống nhất tại Afghanistan thông qua đối thoại

08:33, 18/08/2021

Sau khi dễ dàng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, lật đổ chính phủ Afghanistan nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong gần hai thập kỷ qua, ngày 17-8, lực lượng Taliban đã thông báo ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ, đồng thời kêu gọi họ trở lại làm việc.

Trong một tuyên bố ngày 17-8, Taliban nêu rõ đã ban hành quyết định ân xá cho tất cả nhân viên chính phủ, do đó, các nhân viên này có thể an tâm quay trở lại công việc hằng ngày. Ngoài ra, nhóm này kêu gọi phụ nữ tham gia quá trình xây dựng chính phủ. Trong thông báo, ông Enamullah Samangani-thành viên ủy ban văn hóa của lực lượng Taliban cho biết, phụ nữ có thể tham gia việc xây dựng chính phủ theo Luật Hồi giáo.

“Hiện cấu trúc chính phủ chưa rõ ràng, nhưng dựa vào kinh nghiệm, cần có sự lãnh đạo đầy đủ của Hồi giáo và cần tham gia của tất cả các bên”, ông Samangani khẳng định. Tuy nhiên, ông Samangani không nêu rõ các chi tiết khác, ngụ ý rằng mọi người đã biết rõ các quy tắc của luật Hồi giáo mà Taliban mong muốn họ phải tuân theo. Hiện nay, các cuộc đàm phán về lộ trình chuyển giao quyền lực được cho là vẫn đang diễn ra giữa Taliban và một số quan chức chính phủ Afghanistan, trong đó có cả cựu Tổng thống Hamid Karzai và người đứng đầu Hội đồng hòa giải quốc gia của Afghanistan, ông Abdullah Abdullah.

Phản ứng trước những diễn biến mới nhất ở Afghanistan, phát biểu trước báo giới ngày 17-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ, Washington sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu như lực lượng này tôn trọng quyền của phụ nữ và không tham gia những phong trào cực đoan như Al-Qaeda.

Ông Price nhấn mạnh, một chính quyền Afghanistan tương lai phải bảo vệ những quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả quyền của phụ nữ, cũng như không chứa chấp những phần tử khủng bố. Ông cũng lưu ý rằng, đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad đã có mặt tại cơ quan ngoại giao của Taliban tại Qatar và các quan chức Mỹ đã thảo luận với Taliban.

Trước đó, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng ngày 16-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ quyết định rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan khi khẳng định ông ủng hộ chính sách này và đã đến lúc để Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài 20 năm qua. Tổng thống Biden cho biết, ông phải đưa ra lựa chọn hoặc là tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng thừa nhận rằng, sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan diễn ra nhanh hơn dự đoán. Theo Tổng thống Biden, lợi ích quốc gia của Mỹ ở Afghanistan chủ yếu nhằm ngăn chặn các lực lượng khủng bố ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này tiến hành tấn công Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cảnh báo lực lượng Taliban không được gây rối hoặc đe dọa tới công tác sơ tán hàng nghìn nhà ngoại giao Mỹ cũng như các phiên dịch viên người Afghanistan tại sân bay quốc tế Kabul. Ông nhấn mạnh, Mỹ sẽ đáp trả “nhanh chóng và mạnh mẽ” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ cho người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ...

Trong một diễn biến liên quan, ngày 16-8, giờ Washington, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn về tình hình tại Afghanistan sau khi lực lượng Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Tại cuộc họp, HĐBA LHQ đã kêu gọi các bên thông qua đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, bao hàm và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”.

HĐBA LHQ cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bảo đảm cho phép tiếp cận hỗ trợ nhân đạo khẩn trương, an toàn và không bị cản trở. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới đem lại hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan và kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Afghanistan tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, tiến hành đối thoại nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Sáng 17-8, tại sân bay Kabul, các chuyến bay quân sự sơ tán nhân viên ngoại giao và dân thường khỏi Afghanistan đã bắt đầu cất cánh. So với hai ngày trước đó, tình hình tại sân bay Kabul đã không còn hỗn loạn khi hàng nghìn người dân Afghanistan tìm cách rời khỏi đất nước. Hiện nhiều người dân đã về nhà, song một số khác vẫn túc trực ở sân bay Kabul để tìm kiếm cơ hội rời khỏi đất nước. Các nước như Pháp, Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc... đang nỗ lực triển khai chiến dịch sơ tán khẩn cấp cho các công dân nước mình bị kẹt lại ở Afghanistan. 

Trong khi đó, dòng người tị nạn Afghanistan vẫn đang đổ về khu vực biên giới giữa Afghanistan với các nước láng giềng. Ngày 17-8, Uzbekistan cho biết đang liên lạc chặt chẽ với Taliban, đồng thời cảnh báo sẽ "ngăn chặn nghiêm" việc xâm phạm biên giới. Theo Bộ Ngoại giao Uzbekistan, nước này ủng hộ cam kết của các lực lượng ở Afghanistan đối với một chính phủ toàn diện, đồng thời nhấn mạnh mong muốn của Tashkent về việc đạt được một nền hòa bình toàn diện trong khuôn khổ các cuộc đàm phán tại Doha (Qatar). Theo bộ trên, hiện Tashkent đang thảo luận với Taliban "các vấn đề bảo đảm việc bảo vệ biên giới, giữ gìn bình yên khu vực biên giới ”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này đang thảo luận với tất cả phe phái tại Afghanistan, trong đó có lực lượng Taliban, đồng thời bày tỏ hoan nghênh "các thông điệp mang tính tích cực" mà Taliban gửi tới cộng đồng quốc tế, sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Về phần mình, Pakistan đã tái khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị toàn diện ở Afghanistan, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các nhóm sắc tộc ở quốc gia Tây Nam Á này. Thủ tướng Pakistan Imran Khan nêu rõ: “Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hợp tác để bảo đảm một giải pháp chính trị toàn diện vì nền hòa bình, an ninh và sự phát triển lâu dài của Afghanistan và khu vực”.