Gần một năm sau khi chính thức nộp đơn gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa được hai thành viên NATO là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở Stockholm, ngày 7/3/2023. |
Đảng Fidesz cầm quyền và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Hungary muốn hoãn phiên họp Quốc hội vào tuần tới, đồng nghĩa việc Hungary tiếp tục trì hoãn phê chuẩn việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (U.Cri-xtơ-xơn) cho rằng khả năng Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển đang tăng lên. Lãnh đạo Thụy Điển nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những động thái cho thấy sẵn sàng chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng lại do dự về trường hợp của Thụy Điển.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (X.Ni-ni-xtô) tin tưởng nhân chuyến thăm của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) sẽ đưa ra quyết định liên quan việc Phần Lan gia nhập NATO. Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, tại hội đàm diễn ra ngày 17/3 ở Istanbul, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan thảo luận về nỗ lực của Phần Lan gia nhập NATO.
Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với Reuters rằng, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ phê chuẩn đơn của Phần Lan gia nhập NATO trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/5 tới. Việc phê chuẩn cho Phần Lan được thực hiện riêng rẽ với trường hợp của Thụy Điển.
Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Thụy Điển ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Theo Thủ tướng Scholz, việc hai quốc gia vùng Scandinavia gia nhập NATO sẽ mang lại lợi ích lớn với an ninh của châu Âu và đây là lý do Đức tích cực thúc đẩy để hai nước nhanh chóng trở thành thành viên NATO.
Phản ứng về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chấp thuận đơn gia nhập NATO của Phần Lan, Mỹ tái khẳng định lập trường cả hai nước Bắc Âu đều sẵn sàng gia nhập liên minh. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Mỹ tin rằng NATO sẽ sớm chào đón cả Phần Lan và Thụy Điển với tư cách thành viên chính thức.
Trong khi đó, bình luận về khả năng kết nạp Ukraine vào NATO, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins (C.Ca-rin) cho rằng, NATO sẽ không cân nhắc việc này khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Latvia, sau khi xung đột kết thúc, con đường duy nhất để bảo đảm an ninh cho Ukraine là trở thành một thành viên đầy đủ của NATO.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin