Đan Mạch cân nhắc giới hạn các vụ biểu tình có tính “xúc phạm”

Theo TTXVN 10:54, 31/07/2023

Chính phủ Đan Mạch đánh giá các vụ biểu tình “đã tới mức độ mà nhiều nơi trên thế giới coi Đan Mạch là quốc gia xúc phạm và bôi nhọ văn hóa, tôn giáo, cũng như truyền thống của các quốc gia khác."

Biểu tình tại Kufa, Iraq, ngày 21/7/2023, phản đối hành vi đốt kinh Koran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tình tại Kufa, Iraq, ngày 21/7/2023, phản đối hành vi đốt kinh Koran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đan Mạch ngày 30-7 thông báo sẽ nghiên cứu các biện pháp pháp lý để chấm dứt các vụ biểu tình có hành động đốt các văn bản thánh trong một số trường hợp.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đan Mạch, được phóng viên TTXVN tại châu Âu trích dẫn, lưu ý rằng các phần tử cực đoan đang tìm cách dàn xếp những vụ biểu tình như trên, buộc Copenhagen phải “nghiên cứu” về việc can thiệp những tình huống mà “các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác đang bị xúc phạm, và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh.”

Tuy nhiên, thông báo vẫn nhấn mạnh: “Dĩ nhiên, điều này cần phải được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp và theo tinh thần không thay đổi thực tế rằng quyền tự do ngôn luận ở Đan Mạch có phạm vi rất rộng.”

Chính phủ quốc gia Bắc Âu này đánh giá các vụ biểu tình “đã tới mức độ mà nhiều nơi trên thế giới coi Đan Mạch là quốc gia xúc phạm và bôi nhọ văn hóa, tôn giáo, cũng như truyền thống của các quốc gia khác.”

Theo nhận định, mục đích chính của những hành động như vậy nhằm khiêu khích và “dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”.

Thời gian qua, các vụ biểu tình và đốt kinh Koran ở Đan Mạch và Thụy Điển đã làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa các nước ở khu vực Trung Đông theo đạo Hồi và hai quốc gia Bắc Âu này.

Nhiều quốc gia ở Trung Đông đã triệu phái viên của cả Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này.


Từ khóa:

Đan Mạch

biểu tình