Đại sứ quán Nga tại Paris đã nhanh chóng yêu cầu chính quyền Pháp giải thích lý do bắt giữ ông Pavel Durov - người sáng lập và Giám đốc điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram.
Tỷ phú sáng lập Telegram Pavel Durov phát biểu tại một hội nghị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 23/2/2016. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Theo đài RT ngày 25/8, thông tin trên do một nhà ngoại giao cấp cao đưa ra.
Ông Durov là doanh nhân công nghệ Liên bang Nga, cũng có quốc tịch Pháp, UAE, và Saint Kitts and Nevis. Ông đã bị tạm giữ sau khi hạ cánh tại sân bay Le Bourget ở Paris vào ngày 24/8 và dự kiến sẽ ra tòa vào tối 25/8 (giờ địa phương). Các nhà chức trách Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ ông Durov với lý do rằng việc không kiểm duyệt đầy đủ trên nền tảng Telegram đã để cho ứng dụng này được tội phạm sử dụng rộng rãi.
Cụ thể, theo kênh tin tức TF1 của Pháp, chính quyền nước này có thể buộc tội ông Durov về các tội danh liên quan đến khủng bố, rửa tiền và buôn bán ma túy và khiêu dâm trẻ em. Cảnh sát Pháp cho rằng ông Durov đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, các tội ác nhằm vào trẻ em và gian lận do Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, từ chối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và tùy chọn gửi tiền điện tử qua ứng dụng nhắn tin này.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 25/8, Đại sứ quán Nga cho biết: “Ngay khi tin tức về vụ bắt giữ ông Durov lan ra, chúng tôi đã ngay lập tức yêu cầu các cơ quan Pháp làm rõ lý do và yêu cầu họ đảm bảo bảo vệ quyền lợi của ông Durov và cung cấp quyền tiếp cận lãnh sự”.
Tuy nhiên, các nhà ngoại Nga cho biết cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Paris. Họ nói: “Phía Pháp đến nay vẫn tránh hợp tác về vấn đề này”.
Đại sứ quán Nga cũng nói rằng vẫn đang liên lạc với luật sư của ông Durov.
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, đã kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Giám sát Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đứng lên bảo vệ tự do ngôn luận và gây áp lực để Pháp thả người sáng lập Telegram.
Phó chủ tịch Quốc hội Nga, ông Vladislav Davankov, cũng kêu gọi Paris thả ông Durov. Ông cảnh báo rằng việc bắt giữ doanh nhân công nghệ này có thể mang động cơ chính trị và được sử dụng để truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram - điều mà Nga không thể chấp nhận.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng vụ bắt người sáng lập Telegram có thể khiến chính quyền Pháp phải trả giá đắt.
Từ năm 2014 đến 2021, Telegram bị ngày càng nhiều nước giám sát vì đây là nền tảng được nhiều nhóm sử dụng để tổ chức biểu tình và chia sẻ nội dung cực đoan. Tuy vậy, ông Durov tiếp tục từ chối kiểm duyệt và xây dựng hình ảnh mình là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận.
Năm 2022, khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine, Telegram trở thành nền tảng mạnh xã hội chính mà cả Nga và Ukraine dùng để đăng nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin