Ngay ngày đầu năm mới 2025, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết, Ai Cập đã đón 15,7 triệu lượt du khách trong năm 2024, một con số được coi là kỷ lục trong bối cảnh khu vực đang xảy ra nhiều xung đột và bất ổn. Đây là “tín hiệu” vui, đầy hứa hẹn, đánh dấu sự tăng trưởng ngoạn mục của du lịch Ai Cập, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở lại là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của quốc gia Bắc Phi này.
Khách du lịch tham quan danh lam thắng cảnh Kim tự tháp Giza ở Giza, Ai Cập. Ảnh: Tân Hoa xã |
Cùng với Kênh đào Suez và xuất khẩu hàng hóa, ngành du lịch đem lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Ai Cập. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành du lịch của Ai Cập đã chịu thiệt hại nặng nề. Theo số liệu thống kê chính thức, số lượng khách du lịch đến Ai Cập giảm mạnh, từ hơn 13 triệu lượt du khách trong năm 2019 giảm xuống còn khoảng 3,7 triệu lượt du khách trong năm 2020.
Sau đó tình hình đã dần được cải thiện theo từng năm, Ai Cập đã đón khoảng 8 triệu lượt du khách trong năm 2021, 11,7 triệu lượt vào năm 2022 và 14,9 triệu lượt vào năm 2023. Thị trường Đức và Nga vẫn là nguồn khách du lịch chính đến Ai Cập. Trong khi đó có sự tăng trưởng đáng kể ở thị trường Trung Quốc do lưu lượng hàng không từ Trung Quốc đến Ai Cập tăng gấp 3 lần, với 28 chuyến bay mỗi tuần.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng của lĩnh vực du lịch là kết quả của việc Ai Cập thực hiện thành công chiến lược du lịch quốc gia, trong đó tập trung vào việc mở rộng năng lực tiếp đón du khách cũng như cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành du lịch.
Thời gian qua, Ai Cập đã nỗ lực nhằm tăng lượng khách quốc tế thông qua các chương trình khuyến mại và kích cầu du lịch, tăng số lượng ghế trên các chuyến bay cũng như số phòng khách sạn để phục vụ được nhiều du khách hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách du lịch quốc tế. Quốc gia này đặt mục tiêu chiến lược thu hút 30 triệu khách du lịch vào năm 2028. Chính phủ Ai Cập cũng đã lên kế hoạch phát triển ngành du lịch nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn này.
Ngoài việc thu hút khách du lịch tới các địa điểm khảo cổ và các di tích lịch sử cổ đại, đất nước Kim tự tháp còn khai thác lợi thế về vị trí địa lý bên bờ Địa Trung Hải thơ mộng. Ai Cập có chiến lược thu hút đầu tư vào khu vực này nhằm phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tháng 7/2024, Chính phủ Ai Cập đã tuyên bố hợp tác với Tập đoàn Talaat Mostafa (TMG) để xây dựng một siêu dự án du lịch trị giá 1.000 tỷ bảng Ai Cập (gần 21 tỷ USD) mang tên SouthMED City, ở khu vực bờ biển phía bắc bên bờ Địa Trung Hải.
Các dự án lớn đang được triển khai tại khu vực này, như thành phố New Alamein, dự án Ras El-Hekma và SouthMED, nhằm thúc đẩy du lịch và nâng cao tiềm năng kinh tế của đất nước. Những dự án nêu trên được kỳ vọng sẽ giúp tăng gấp hai lần số lượng khách du lịch đến Ai Cập vào năm 2030. Ai Cập đang muốn biến khu vực bờ biển phía bắc trở thành tâm điểm chú ý nhằm mở rộng lĩnh vực du lịch và cung cấp số lượng lớn phòng khách sạn tại khu vực này.
Siêu dự án xây dựng thành phố SouthMED ở bờ biển phía bắc là thỏa thuận lớn thứ hai được Ai Cập ký kết trong năm 2024 nhằm thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch ở khu vực ven Địa Trung Hải. Tháng 2/2024, Ai Cập đã ký thỏa thuận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước đến nay với Quỹ tài sản chủ quyền ADQ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trị giá 35 tỷ USD, để phát triển khu vực ven biển Ras El-Hekma bên bờ Địa Trung Hải.
Ngành du lịch đặc biệt quan trọng đối với Ai Cập vì đây là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của đất nước trong bối cảnh khan hiếm ngoại tệ mạnh sau những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Madbouly bày tỏ hy vọng đất nước Kim tự tháp sẽ đạt được con số 18 triệu lượt du khách trong năm 2025, đặc biệt được đánh dấu bằng sự kiện chính thức khai trương Đại Bảo tàng Ai Cập trong năm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin