59 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có thể sẽ chết và gần 16 triệu thai nhi không thể chào đời nếu các dịch vụ y tế trên thế giới không được nhanh chóng cải thiện trước cuối thập niên này. Liên hợp quốc cảnh báo về mạng sống mong manh của hàng triệu trẻ em trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường tài trợ cho chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho tương lai.
Ảnh minh họa: UNICEF. |
Liên hợp quốc vừa công bố hai báo cáo đầu tiên trong loạt dữ liệu quan trọng về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Theo số liệu do Nhóm liên ngành của Liên hợp quốc về đánh giá tỷ lệ tử vong ở trẻ em (UN IGME) công bố ngày 5-1, trong năm 2021 cứ 4,4 giây thế giới lại có một trẻ em hoặc trẻ vị thành niên tử vong. Ước tính, khoảng 5 triệu bé vĩnh viễn rời xa cha mẹ trước sinh nhật lần thứ 5, trong khi số người tử vong ở độ tuổi từ 5 đến 24 trong năm 2021 là 2,1 triệu.
UN IGME được thành lập năm 2004 nhằm chia sẻ dữ liệu về tỷ lệ tử vong ở trẻ em cũng như báo cáo về những tiến bộ trong cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ nhỏ. Nhóm gồm các thành viên là các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (UN DESA).
Theo số liệu do Nhóm liên ngành của Liên hợp quốc về đánh giá tỷ lệ tử vong ở trẻ em (UN IGME) công bố ngày 5-1, trong năm 2021 cứ 4,4 giây thế giới lại có một trẻ em hoặc trẻ vị thành niên tử vong. Ước tính, khoảng 5 triệu bé vĩnh viễn rời xa cha mẹ trước sinh nhật lần thứ 5, trong khi số người tử vong ở độ tuổi từ 5 đến 24 trong năm 2021 là 2,1 triệu. |
Giám đốc Bộ phận phân tích dữ liệu của UNICEF Vidhya Ganesh nêu rõ, mỗi ngày trên thế giới có quá nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt nỗi đau mất con, thậm chí ngay cả trước khi chúng cất tiếng khóc chào đời. Rõ ràng, thảm kịch này có thể được ngăn chặn với ý chí chính trị mạnh mẽ hơn và đầu tư nhiều hơn vào tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.
Hầu hết các ca tử vong ở trẻ em xảy ra trước 5 tuổi và một nửa trong số đó xảy đến trong tháng đầu tiên của cuộc đời. Ðối với những đứa trẻ xấu số này, sinh non và các biến chứng trong quá trình chuyển dạ của người mẹ là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hơn 40% trường hợp thai chết lưu trong quá trình chuyển dạ, dù hầu hết đều có thể phòng ngừa nếu như phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng bảo đảm hơn trong suốt quá trình mang thai và sinh nở.
Tồn tại sự chênh lệch rõ rệt về tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Trẻ em sinh ra ở khu vực cận Sahara của châu Phi có nguy cơ tử vong cao nhất, thậm chí cao gấp 15 lần so với trẻ em sinh ra ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các bà mẹ ở khu vực cận Sahara cũng thường phải trải qua nỗi đau mất con khi tỷ lệ thai chết lưu tại đây cao gấp bảy lần so với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc toàn cầu về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, đằng sau những con số đau thương là hàng triệu trẻ em và gia đình không được tiếp cận các quyền cơ bản về sức khỏe.
Báo cáo của Liên hợp quốc cung cấp các dữ liệu cho thấy những lợi ích rõ ràng của việc tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ bản. Kể từ năm 2000, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm một nửa, tỷ lệ tử vong ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên giảm 36%, trong khi tỷ lệ thai chết lưu giảm 35%. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại kể từ năm 2010.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, 54 quốc gia có thể sẽ không đạt mục tiêu phát triển bền vững về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Giám đốc Ban Dân số của UN DESA John Wilmoth bình luận, nỗ lực toàn cầu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã đạt những bước tiến quan trọng, tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Chuyên gia của Liên hợp quốc nêu rõ, chỉ bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng, nhất là trong khoảng thời gian sinh nở, mới có thể giảm bất bình đẳng và chấm dứt những ca tử vong có thể ngăn ngừa được ở trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin