Gam màu xám bao phủ các nền kinh tế lớn

Theo NDĐT 14:43, 24/11/2022

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra dự báo ảm đạm rằng, gam màu xám chủ đạo sẽ bao phủ hầu hết các nền kinh tế lớn vào năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới đang quay cuồng trước cú sốc năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Dự báo mới nhất của OECD cho thấy, tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trong năm tới sẽ chậm lại do giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao liên tục làm giảm sức mua cũng như lòng tin của người tiêu dùng. Theo tổ chức có trụ sở tại thủ đô Paris của Pháp này, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2023 chỉ ở mức 0,5%. Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,1% năm 2022 xuống 2,2% vào năm sau, trước khi phục hồi lên mức 2,7% năm 2024.

Theo OECD, kinh tế thế giới đang mất đi động lực tăng trưởng do các cuộc xung đột, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và nhiều yếu tố khó đoán định trong tương lai.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng ì ạch, việc OECD đưa ra dự báo 2,2%, một mức không phải quá tệ, là do tổ chức này đặt niềm tin vào triển vọng sáng sủa của các nền kinh tế mới nổi. Theo OECD, kinh tế thế giới đang mất đi động lực tăng trưởng do các cuộc xung đột, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm và nhiều yếu tố khó đoán định trong tương lai.

Nhà kinh tế trưởng của OECD, ông Alvaro Santos Pereira khẳng định, kinh tế thế giới đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cú sốc năng lượng khiến lạm phát lên mức cao chưa từng thấy nhiều năm qua và điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

OECD dự báo lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ vẫn trên mức 8% trong quý IV năm nay trước khi giảm xuống 5,5% trong hai năm 2023 và 2024. OECD đưa ra đánh giá bi quan nhất về kinh tế Vương quốc Anh với dự báo Xứ sở Sương mù sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm nhất G20 trong hai năm tới, cụ thể là xuống mức suy thoái (âm 0,4%) năm 2023 trước khi nhích lên 0,2% năm 2024.

Ngoài giảm tốc mạnh, nền kinh tế Anh còn đang rơi vào vòng xoáy nợ công cao. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố hôm 22-11, các khoản vay của Chính phủ Anh đã tăng trong tháng 10 vừa qua do các biện pháp hỗ trợ năng lượng tốn kém và lạm phát tăng vọt.

Cụ thể, khoản vay ròng của khu vực công lên tới 13,5 tỷ bảng Anh (16 tỷ USD) trong tháng 10, so mức 9,2 tỷ bảng Anh cùng kỳ năm ngoái. Đây là hệ quả từ quyết sách của Chính phủ Anh nhằm giảm bớt gánh nặng hóa đơn năng lượng và chi phí sinh hoạt cho các gia đình trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nêu rõ, việc chính phủ tăng cường vay tiền để hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp và gia đình là đúng đắn, song để giải quyết lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế, điều quan trọng là phải đưa tình hình tài chính công trở lại con đường bền vững. Theo ONS, tổng nợ công của Anh trong tháng 10 vừa qua đã tăng lên gần 2.460 tỷ bảng Anh (tương đương 97,5% GDP) do các chương trình chi tiêu khẩn cấp cho đại dịch COVID-19 trong khi nguồn thu từ thuế giảm.

Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Anh, như Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner mới chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn kinh tế hết sức bất ổn”. Chính phủ Đức có nguy cơ phải gánh nhiều khoản nợ hơn dự kiến trong năm 2023 do cần nguồn lực tài chính để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái và bất ổn nghiêm trọng. Chính phủ Đức dự báo khoản vay ròng mới trong năm 2023 sẽ lên tới 45,6 tỷ euro, cao gấp 2,5 lần so ước tính ban đầu là 17,2 tỷ euro.

Nhà kinh tế trưởng Alvaro Santos Pereira nhấn mạnh, chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu. Ông khuyến nghị thắt chặt chính sách tiền tệ ở các quốc gia nơi giá cả vẫn tăng cao và tăng cường những biện pháp hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp để tránh làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, nếu giá năng lượng tiếp tục cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.