Mặc dù, chất lượng không khí có cải thiện, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có nồng độ bụi PM2.5 vượt 3 - 5 lần ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới - WHO.
Thông tin này vừa được đưa ra tại "Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2021" do IQAir/AirVisual công bố. Theo đó, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2021 tại Việt Nam theo trọng số dân số là 24,7g/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 (28,1g/m3) và năm 2019 (34,1g/m3).
Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 3/9 quốc gia Đông Nam Á (sau Indonesia và Myanmar) và đứng thứ 36/117 quốc gia trên thế giới có nồng độ PM2.5 trung bình năm cao nhất (đứng đầu là Bangladesh).
Một điểm đáng lưu ý, báo cáo lần này xét theo tiêu chuẩn mới chặt chẽ hơn do WHO công bố năm 2021 về mức không khí sạch khuyến nghị cho con người. Và Việt Nam hiện đang trong nhóm “màu cam”, tức các nước có nồng độ bụi PM2.5 vượt 3 - 5 lần ngưỡng khuyến nghị của WHO.
Những sắc màu không khí "nhảy nhót" được công bố bấy lâu cho đến tận hôm nay như tiếng thở dài của người dân. Bởi, những bụi vàng, hồng, cam, đỏ hay tím… trên bản đồ đo đạc của các ứng dụng hoàn toàn không phải màu “lãng mạn” mà phản ánh một hiện thực nghiệt ngã về chất lượng không khí.
Tập trung tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí trở thành vấn đề cấp bách. Song, đến nay, mỗi khi chất lượng không khí xấu, cơ quan chức năng chỉ mới chủ yếu tập trung khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Trong khi đó, hít thở không khí sạch phải là một quyền cơ bản của con người, không phải là một đặc ân. Điều này cũng được thể hiện ngay trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. Khi Nhà nước ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người cũng có nghĩa là Nhà nước ghi nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Song nhìn thấu đáo, chỉ riêng cơ quan quản lý không thể ngăn chặn hết bụi. Có chăng là các giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu. Đơn giản, nguồn khởi phát ô nhiễm đến từ quá nhiều nơi và để giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai là bất khả kháng. Nhưng điều mà người dân mong chờ từ các cơ quan này là cần những giải pháp quyết liệt, cụ thể, kịp thời để tránh những cuộc "khủng hoảng" ô nhiễm không khí kéo dài nguy hại để sớm xua đi những hoang mang, lo lắng và bức xúc.
Ở một khía cạnh bao trùm, không khí tôi đang hít thở là không khí của tôi hay là không khí của chung? Là mệnh đề cần thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Cách chúng ta ứng phó là đổ lỗi cho những kẻ tham lam, vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại tài nguyên của chung; phẫn nộ những nhà máy ngày ngày vẫn “vô tư” thải ra nguồn khí độc phá hủy bầu khí quyển; tặc lưỡi trước hình ảnh cá chết đầy sông khi đọc báo... Điều đó đúng, song chưa đủ! Bởi, chúng ta thấy rõ nhưng lại quá ít hành động để đánh động đến ý thức rằng: “Trái đất này là của chúng mình”.
Nếu môi trường thiếu văn hóa an toàn, bất cứ nền kinh tế, hệ sản xuất nào, dù công nghệ tiên tiến đến đâu, cũng có thể là một “quả bom nổ chậm” đe dọa nghiêm trọng chất lượng sống. Khi ấy, dù là người giàu hay người nghèo đều phải ngày ngày chịu đựng. Và cái giá cho phát triển bằng mọi cách đắt đến mức số lượng người tử vong vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ được tính theo phút, theo giây.
Chúng ta sống trong cùng bầu không khí và ai cũng phải có trách nhiệm với hành động của mình với môi trường, đã đến lúc dừng quy đổ trách nhiệm. Bởi, ô nhiễm không khí - vấn đề không của riêng ai, khi mà hậu quả của nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng nhà, từng cá thể. Tất cả những hậu quả từ ô nhiễm gây ra, chúng ta đã và đang vô tình "cam chịu" nó như một điều tất yếu.
Còn nếu từ giác độ quản lý, "sắc màu” không khí chỉ được nhìn nhận là do yếu tố tự nhiên mà thiếu đi cách vận động của cơ quan quản lý và người dân, thiếu biện pháp, các chế tài xử lý các nguồn gây ô nhiễm, chúng ta sẽ mãi loay hoay trong những sắc màu bất an đó!