Hà Nội sương mù, ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Theo nhandan.vn 11:25, 11/08/2023

Theo ghi nhận của nhiều hệ thống quan trắc, sáng nay, Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng với nhiều điểm đo ghi nhận ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe mọi người), cá biệt một vài điểm đo lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người).

Bầu trời Hà Nội mù mịt trong sáng 11/8.
Bầu trời Hà Nội mù mịt trong sáng 11/8.

Sáng nay, 11/8, nhiều người dân tại Hà Nội đã tỏ ra bất ngờ khi trời mù mịt, có hiện tượng như sương bao phủ.

Theo kết quả số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ), lúc 9 giờ sáng, tại quận Tây Hồ, chỉ số đã ở mức 179 – ngưỡng rất xấu. Ở điểm đo tại quận Hoàn Kiếm, chỉ số này cũng ở mức 164. Các điểm “đỏ” khác bao gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Long Biên... với mức chỉ số đều trên 160.

Đây là nhóm chỉ số được AirVisual xếp vào các trường hợp có hại cho sức khỏe, đồng thời khuyến cáo mọi người cần hạn chế ra ngoài vì có thể bị tác động xấu đến sức khỏe, những người nhạy cảm có thể gặp vấn đề với sức khỏe.

Trên bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực của AirVisual, sáng 11/8 tại Hà Nội đã có những điểm chỉ số AQI đạt từ 161-181 (ngưỡng không lành mạnh).
Trên bản đồ chất lượng không khí theo thời gian thực của AirVisual, sáng 11/8 tại Hà Nội đã có những điểm chỉ số AQI đạt từ 161-181 (ngưỡng không lành mạnh).

Trong khi đó, cùng thời điểm, theo hệ thống quan trắc PAM Air, các điểm đỏ cũng liên tục xuất hiện. Điển hình, tại điểm đo tại đường Chùa Láng, chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) lên tới 184. Thậm chí tại một số khu vực như đường Kim Mã, Dịch Vọng Hậu, Khu đô thị Times City, chỉ số AQI còn chuyển sang màu tím (cao trên 200, ở mức rất không lành mạnh).

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ghi nhận các điểm đo ở màu cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).

Một số khu vực như đường Kim Mã, Dịch Vọng Hậu, Khu đô thị Times City, chỉ số AQI còn chuyển sang màu tím (cao trên 200, ở mức rất không lành mạnh).
Một số khu vực như đường Kim Mã, Dịch Vọng Hậu, Khu đô thị Times City, chỉ số AQI còn chuyển sang màu tím (cao trên 200, ở mức rất không lành mạnh).

Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng chất lượng không khí của các thành phố lớn trên thế giới do AirVisual thực hiện vào thời điểm 9 giờ sáng ngày 11/8, Hà Nội là thành phố thứ ba với chỉ số trung bình 164, thuộc nhóm Không lành mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, tới thời điểm sau 9 giờ sáng, tình trạng sương mù vẫn xuất hiện, phổ biến ở khu vực quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm.

Theo các chuyên gia, việc Hà Nội xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí trong thời điểm hiện tại, đặc biệt sau khi vừa trải qua trận mưa lớn ngày hôm qua và rạng sáng nay là khá bất thường.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: Theo quy luật, ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời điểm này có nhiều yếu tố gia tăng ô nhiễm như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa… Những yếu tố này sẽ làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp thay vì thoát lên cao hoặc tỏa rộng ra các vùng khác.

Vào thời điểm sau 9 giờ sáng, bầu trời Hà Nội vẫn còn mù sương.
Vào thời điểm sau 9 giờ sáng, bầu trời Hà Nội vẫn còn mù sương.

Trước điều kiện ô nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.

Người dân cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm đặc thù này. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho các con ra đường vào thời điểm tan tầm, sử dụng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi, họng, cổ, tránh các hoạt động ngoài trời quá lâu và không cần thiết.

Đối với người ở nhà, cần hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào vào thời điểm chất lượng không khí xấu, đặc biệt là các nhà ở gần đường giao thông hoặc điểm ô nhiễm.Người mắc các bệnh về hô hấp cũng được các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường vào các thời điểm chỉ số AQI lên cao.