Ngành Tài nguyên - Môi trường: Những tín hiệu mới

Công Minh - Kỳ Anh 15:20, 30/12/2023

Năm 2023, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), công tác quản lý TN-MT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Khu liên hiệp xử lý rác thải Sông Công.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Khu liên hiệp xử lý rác thải Sông Công.

Dấu ấn cải cách hành chính

Dấu ấn đầu tiên của ngành TN-MT phải kể đến là công tác cải cách hành chính (CCHC). Đảng ủy, lãnh đạo Sở TN-MT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác CCHC. Các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã bám sát kế hoạch CCHC hàng năm của Sở để tham mưu tổ chức thực hiện với đầy đủ các nội dung công tác CCHC theo quy định và đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Những năm gần đây, đặc biệt năm 2023, Sở tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm các bước, quy trình xử lý công việc, công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công mức độ toàn trình, một phần. Hệ thống một cửa điện tử của Sở từng bước được hoàn thiện, đảm bảo kết nối liên thông, tích hợp với Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hiện đại hóa hành chính được quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước và phục vụ CCHC đạt được kết quả tích cực đáp ứng yêu cầu của Sở trong giai đoạn hiện nay. Năm 2023, Sở giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn hồ sơ đạt tỷ lệ 99,8%.

Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức biên chế theo quyết định của UBND tỉnh. Đến nay, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở có cơ cấu tổ chức đúng quy định, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, không chồng chéo.

Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thái Nguyên tiếp nhận hồ sơ của người dân đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thái Nguyên tiếp nhận hồ sơ của người dân đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý đất đai

Công tác quản lý đất đai tiếp tục được Sở TN-MT tích cực thực hiện và đạt hiệu quả trên các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao, cho thuê, thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; quản lý đất đai các nông, lâm trường và lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai, tham mưu văn bản quy phạm về đất đai.

Sở tiếp tục quan tâm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các địa phương trong quá trình quản lý và sử dụng đất; thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cơ bản đảm bảo tiến độ của các dự án; đồng thời, tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn và trả lời các đơn vị khi có vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng quy định, không có trường hợp nào tồn đọng hoặc để quá thời hạn; tổ chức xác định giá đất cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt kịp thời, đúng quy định phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.

Trong năm, thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở đó, đã tổ chức lấy ý kiến các địa phương trong tỉnh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng nhiều hình thức khác nhau. Kết quả, các đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 2.900 hội nghị, hội thảo; đã nhận được trên 32 nghìn lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hoạt động của các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đã đi vào trật tự, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động của các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đã đi vào trật tự, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều điểm sáng trên các mặt công tác

Cùng với công tác quản lý đất đai, Sở tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; tích cực thực hiện các nhiệm vụ: Đo đạc, bản đồ, viễn thám; khí tượng thủy văn; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo… Cụ thể, Sở tham mưu tổ chức ký cam kết giữa thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, lãnh đạo doanh nghiệp khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước đã từng bước, cơ bản được kiểm soát. Sở tiếp tục đôn đốc theo dõi công tác quan trắc trong năm 2023 theo tiến độ; thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá xác định các mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc địa bàn quản lý của tỉnh thái nguyên”; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh…

Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tại Khu A Khu công nghiệp Điềm Thụy.
Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tại Khu A Khu công nghiệp Điềm Thụy.

Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh thông qua các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và các sự kiện môi trường thường niên khác. Sở triển khai xây dựng, hoàn thiện và tham mưu ban hành các quy định về bảo vệ môi trường; tiếp tục duy trì thường xuyên việc theo dõi kết quả quan trắc các trạm quan trắc tự động môi trường xung quanh của tỉnh; tăng cường đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng thực hiện lắp đặt, truyền dữ liệu quan trắc tự động nguồn thải về Sở, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, đến nay, đã có tổng số 29 cơ sở lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc tự động về Sở.

Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các mặt công tác, đặc biệt là CCHC, tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường… Sở sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chuẩn hóa để trình UBND tỉnh quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính; quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, ngăn chặn, giải toả các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh…