Đó là mục tiêu được UBND tỉnh đề ra tại văn bản chỉ đạo ngày 22/3/2024 về việc tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Tiêm phòng dại cho đàn chó ở huyện Phú Lương. Ảnh: T.L |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống bệnh dại; hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý đàn chó, mèo nuôi, phòng, chống bệnh dại ở động vật theo đúng quy định. Khi phát hiện thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh dại cắn hoặc khi động vật nghi mắc bệnh dại tại địa phương, cơ quan chuyên môn cấp huyện báo cáo kịp thời và chủ động phối hợp với cơ quan thú y, cơ quan y tế tổ chức điều tra, lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm bệnh dại trên động vật. Yêu cầu người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại, xử lý ổ dịch theo đúng quy định…
Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo để lập sổ quản lý; thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn trong năm 2024.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan thú y tăng cường công tác giám sát bệnh dại trên người và động vật. Đồng thời đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; bố trí mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm tiêm; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc-xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí trường hợp bị động vật cắn...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin