Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp; đồng thời là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Trước thực tế này, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2021-2025 (Đề án), với mục tiêu phát triển được 1.741 căn nhà. Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư (NĐT) vẫn "kém mặn mà" với loại dự án này.
Thi công phần móng khu nhà ở xã hội trên địa bàn phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên). |
Để thực hiện Đề án, tỉnh Thái Nguyên đã khảo sát, bố trí 43 vị trí phát triển NƠXH (quỹ đất chủ yếu tập trung ở TP. Thái Nguyên và các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh), với tổng diện tích trên 337ha.
Cùng với đó, Đề án còn đề cập đến những chính sách ưu đãi với các NĐT, như: Đối với các dự án NƠXH chỉ có sản phẩm là nhà chung cư sẽ xem xét cho phép kinh doanh thương mại với 20% diện tích sử dụng nhà ở, trên cơ sở có phương án trích lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh phần nhà ở thương mại để giảm giá bán, cho thuê NƠXH. Hoặc NĐT cũng có thể sử dụng 20% diện tích sàn xây dựng để cho thuê kinh doanh các hoạt động thương mại, dịch vụ, trên cơ sở có phương án trích lại một phần lợi nhuận để giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành.
Ngoài ra, NĐT cũng được hỗ trợ đầu tư kết nối hạ tầng của dự án với hạ tầng chung của khu vực; hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng...
Mặc dù không khó khăn trong việc tìm quỹ đất và có những ưu đãi nhất định để thực hiện dự án NƠXH, nhưng hiện nay các NĐT vẫn "kém mặn mà" với loại dự án này. Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có Công ty CP Đầu tư Bình Minh Phát liên kết với Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ vừa khởi công xây dựng 1 dự án NƠXH ở phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên), quy mô 2 tòa nhà cao tầng, với gần 700 căn hộ chung cư.
Nguyên nhân các dự án phát triển NƠXH chưa được NĐT quan tâm xuất phát cả từ phía NĐT và người dân. Theo quy định, NĐT khi thực hiện dự án NƠXH sẽ được hưởng một số chính sách hỗ trợ, tuy nhiên trên thực tế chưa có chính sách rõ nét để khuyến khích NĐT phát triển dự án NƠXH.
Bà Nguyễn Thị Hải, đại diện Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ, chia sẻ: Những thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình phê duyệt dự án và cấp phép xây dựng chưa được ưu tiên giải quyết sớm cho doanh nghiệp, còn rườm rà, phức tạp. Điều này dẫn đến phải kéo dài thời gian khi chủ đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý, làm chậm tiến độ dự án. Thêm vào đó, sau khi NĐT khái toán dự án, chi phí bỏ ra lớn nhưng thu lợi nhuận ít, lại kéo dài trong nhiều năm.
Đặc biệt, theo quy định, NĐT chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận từ dự án NƠXH cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. Bởi lẽ, chi phí bỏ ra để xây dựng công trình NƠXH cũng không khác gì nhà ở thương mại, nếu khác chỉ là phần diện tích đất sử dụng, hoặc phần trang trí của dự án.
Ông Bùi Đình Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Dũng, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng lâu năm trên địa bàn TP. Thái Nguyên, đưa ra quan điểm: Khi đầu tư dự án NƠXH, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần làm dự án, mà còn nhiều chi phí khác, thậm chí phải cạnh tranh làm marketing để quảng cáo bán sản phẩm, nên việc khống chế hưởng lợi nhuận 10% là chưa hợp lý.
Còn về nhu cầu thị trường NƠXH, ông Nguyễn Văn Ba, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, phân tích: Mặc dù Thái Nguyên có đông lao động làm việc tại các cụm, khu công nghiệp, nhưng để họ bỏ số tiền lớn ra mua một căn hộ chung cư ở là không dễ, vì chi phí đầu tư lớn, hơn nữa ít người gắn bó với công ty trên 10 năm. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, một số công ty có chế độ phúc lợi tốt. Đơn cử như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên dành hẳn một khu ký túc xá cho công nhân, người lao động ở, số còn lại có xe đưa, đón.
Chị Nguyễn Thị Hằng, quê ở tỉnh Thanh Hóa, công nhân ở Khu công nghiệp Điềm Thụy, bày tỏ: Làm việc ở đây được 6 năm, tôi đã xây dựng gia đình, hiện có 2 con nhỏ. Hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương nên một lúc bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua nhà thì tốn kém, nên gia đình chọn phương án thuê nhà...
Cùng với đó, do quỹ đất ở tại các thành phố trong tỉnh còn khá lớn nên nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc mua NƠXH, mà thường tìm mua đất xây nhà hoặc mua nhà đã xây sẵn.
Từ thực tế có thể thấy những nguyên nhân nói trên đang là "rào cản" khiến NĐT chưa thiết tha với dự án NƠXH. Bởi vậy, ngoài những chính sách của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng giúp NĐT và người dân vay với lãi suất ưu đãi, thiết nghĩ tỉnh cũng cần có thêm những ưu đãi đặc thù (như ban hành cơ chế hỗ trợ dự án NƠXH theo thẩm quyền về tạo mặt bằng sạch, không vướng giải phóng mặt bằng; hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong dự án...) để NĐT quan tâm hơn đến dự án NƠXH. Qua đó giúp người lao động với mức thu nhập thấp cũng có thể mua NƠXH.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin