Với đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn các khe suối có độ dốc lớn nên những năm gần đây, vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thường xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất làm hư hỏng nhà cửa và các công trình công cộng, thậm chí gây thiệt hại về người. Để kịp thời ứng phó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện cùng các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp.
Xã Văn Lăng huy động lực lượng khắc phục tình trạng sạt lở đất sau trận mưa lớn đầu tháng 5 vừa qua. |
Xác định công tác phòng ngừa, ứng phó có vai trò quan trọng, góp phần giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, hằng năm, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của bão, lũ. Trước mỗi đợt mưa bão, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra phương án và công tác PCTT của 15/15 xã, thị trấn; đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án theo cấp độ rủi ro thiên tai; cập nhật, bổ sung kịp thời hiện trạng sạt lở, sụt lún đất...
Cùng với đó, các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm tra an toàn công trình, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố ngay những giờ đầu; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị và người dân ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả các tình huống xảy ra...
Đơn cử như tại xã Văn Lăng, trận mưa lớn đêm 8-5 vừa qua đã làm sạt lở 1.000m3 đất đá từ taluy dương xuống đường tại 3 xóm, gây cản trở, ách tắc giao thông. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Với phương châm "4 tại chỗ", chúng tôi đã đã huy động nhân, vật lực khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở ngay trong ngày.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có các điểm nguy cơ sạt lở, sụt lún đất thuộc 4 xã vùng núi cao: Quang Sơn, Tân Long, Văn Lăng, Cây Thị và một số khu vực như: tổ dân phố 7, thị trấn Trại Cau; xóm Kim Cương, xã Cây Thị; xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa và các xã: Quang Sơn, Tân Long, Hòa Bình (vùng khai thác đá tầng cao).
Do vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện yêu cầu các địa phương nói trên phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản lên phương án PCTT, đặc biệt chú ý mức an toàn của các bãi thải, đá treo, moong khai thác tầng sâu, sản xuất phải an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão; có phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư xung quanh... Trong năm 2023, Công ty TNHH Chiến Thắng (đơn vị khai thác Mỏ đá Lân Đăm 3, xã Quang Sơn) đã hỗ trợ di dời 2 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn.
Lực lượng dân quân xã Nam Hòa giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. |
Theo thống kê sơ bộ, trong gần 10 năm qua, huyện Đồng Hỷ chịu ảnh hưởng của 41 đợt thiên tai, làm 5 người chết, 1.159 ngôi nhà bị hư hỏng và tốc mái, 5 ngôi nhà bị đổ, sập, 18 công trình thủy lợi bị hỏng, sạt lở khoảng 176.000m3 đất, đá, đường giao thông...
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước thiên tai, theo ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTT. Trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu có thể xảy ra sụt lún, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời trước khi thiên tai xảy ra. Trong năm nay, huyện phấn đấu hoàn thành Khu tái định cư tập trung xóm Bản Tèn và Khu tái định cư tập trung xóm Liên Phương (xã Văn Lăng), di chuyển 65 hộ dân sinh sống ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin