Sức bật “tam nông” ở thành phố công nghiệp, kỳ I: Ý Đảng hợp lòng dân

PV - CTV 08:00, 30/05/2024

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19), tạo cơ chế, động lực và giải pháp cho sự phát triển bền vững của “tam nông”. Tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, cấp ủy, chính quyền TP. Sông Công đã vận dụng, triển khai bằng những chương trình hành động cụ thể, quyết tâm đưa Nghị quyết 19 vào thực tế cuộc sống. Đây như “luồng sinh khí mới” khuyến khích, động viên nông dân địa phương thay đổi tư duy, cách làm, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại, văn minh.

Mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao của gia đình bà Đinh Thị Hòe, tổ dân phố Tân Sơn, phường Châu Sơn.
Lãnh đạo TP. Sông Công thăm mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao của gia đình bà Đinh Thị Hòe, tổ dân phố Tân Sơn, phường Châu Sơn.

Hướng về “tam nông”

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt “tam nông” của tỉnh nói chung và TP. Sông Công nói riêng đã có những đổi thay rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp còn thiếu bền vững, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn…

Do vậy, mục tiêu mà Nghị quyết số 19 hướng đến xây dựng nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý…

Sông Công là thành phố công nghiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh và nông nghiệp ngày càng có chiều hướng thu hẹp. Tuy vậy, không vì thế mà vấn đề “tam nông” của địa phương này bị xem nhẹ. Để đưa Nghị quyết 19 đi vào cuộc sống, Thành ủy Sông Công đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành các chương trình, đề án theo từng giai đoạn.

Đồng chí Hoàng Thái Cương, Bí thư Thành ủy Sông Công, khẳng định: Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kế hoạch để cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 19, thực hiện “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) TP. Sông Công, giai đoạn 2021-2025”, phù hợp tình hình, điều kiện từng địa phương, theo hướng hiện đại và có lộ trình rõ ràng, cụ thể, phù hợp với quy hoạch của thành phố công nghiệp. Đến nay, “tam nông” của thành phố đã có nhiều khởi sắc.

Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Dương Quốc Huy, xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn.
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Dương Quốc Huy, xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn.

Nông thôn lên phố

Kết quả rõ nét trong triển khai Nghị quyết 19 được thể hiện trước hết trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đó là những con đường rộng rãi, sạch sẽ, từ các trục đường chính trải dài dẫn về các xóm, tổ dân phố, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát… Nhiều khu vực nông thôn của Châu Sơn, Tân Quang, Bá Xuyên nay như “phố trong làng”. Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày khiến chính người dân nơi đây cũng ngỡ ngàng.

Điển hình như ở Tân Quang, vốn là một xã thuần nông nhưng hiện nay dáng dấp đô thị đang hiện hữu rõ nét. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực, mở rộng không gian đô thị, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao... Nhờ vậy, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí của xã NTM nâng cao và xã đang phấn đấu trở thành phường vào năm 2025.

Được biết, từ năm 2020 đến nay, TP. Sông Công đã huy động đầu tư trên 224,3 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, vốn của Trung ương gần 5 tỷ đồng; của tỉnh 3,6 tỷ đồng; thành phố trên 200 tỷ đồng; còn lại là nhân dân đóng góp. Hiện, 100% xã đạt NTM, 15 xóm đạt NTM kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 52,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,91%. Để có được kết quả trên, TP. Sông Công đã kết hợp thực hiện Nghị quyết 19 gắn với xây dựng NTM, phát huy thế mạnh của từng địa phương bằng những chương trình chuyên đề, từ đó tạo bước chuyển mạnh mẽ trong khu vực nông thôn.

Tư duy mới tạo giá trị lớn

Những vụ lúa gần đây, hàng chục 10 tấn thóc đạt chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa Đài thơm 8, xã Bá Xuyên, được Công ty Vinaseed thu mua ngay tại chân ruộng. Đây cũng là sản phẩm liên kết bao tiêu thóc tươi theo quy trình kỹ thuật đầu tiên được triển khai đối với THT sản xuất nói riêng và TP. Sông Công nói chung.

Sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất lúa Đài thơm 8, xã Bá Xuyên, được doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng.
Sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất lúa Đài thơm 8, xã Bá Xuyên, được doanh nghiệp thu mua ngay tại chân ruộng.

Đến nay, TP. Sông Công đã thành lập được 24 THT sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 100ha. Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch ngày càng cao, thành phố định hướng người dân trồng rau, màu trong nhà màng, nhà lưới. Mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng của ông Đặng Văn Đăng, xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với chi phí đầu tư ban đầu trên 48 triệu đồng, tổng lợi nhuận của gia đình ông Đăng trên 1.000m2 đạt hơn 93,8 triệu đồng/năm. Hiện mô hình này đang một số người dân ở địa phương khác đến học tập và nhân rộng.

Hay như mô hình trồng hoa lan trong nhà màng của anh Đinh Xuân Lợi, THT sản xuất hoa Kim Tiền Thảo, phường Lương Sơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ lắp đặt nhà màng, nhà lưới, gia đình anh đã đầu tư nhà kính có diện tích hơn 800m2 để trồng hoa lan hồ điệp. Với hơn 12.000 gốc lan, Tết Nguyên đán năm 2024, gia đình anh thu về hàng tỷ đồng...

Từ những điển hình trên có thể thấy, điều quan trọng nhất khi thực hiện nghị quyết “tam nông” tại TP. Sông Công là thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người nông dân.

Giai đoạn 2021-2023, TP. Sông Công đầu tư gần 8 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đó thành lập mới được 4 HTX và 45 THT sản xuất nông nghiệp; xây dựng 22 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm...

Hiện, thành phố có 19 HTX, 08 làng nghề và 45 THT; 13 sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong số 154 trang trại chăn nuôi trên địa bàn thì 80% số lượng có liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 

(Còn nữa)