Chủ động ứng phó nguy cơ sạt lở, lũ quét 

Vũ Công 09:00, 22/06/2024

Với đặc điểm, điều kiện về địa lý đặc thù nên vào mùa mưa lũ, tại các khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh Thái Nguyên rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá. Do đó, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra các loại hình thiên tai này.

Tại các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún, các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai đều cắm biển cảnh báo.
Tại các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún, các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai đều cắm biển cảnh báo.

Những năm gần đây, nhiều khu vực miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh thường hứng chịu những trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Điển hình như trận lũ quét xảy ra tháng 4-2021 trên địa bàn xã Quân Chu, nay là thị trấn Quân Chu (Đại Từ), đã khiến 4 cầu tràn bị sạt lở; 80m kênh mương, 7 công trình nước tự chảy, cùng một số tuyến đường bị sạt lở và vùi lấp; nhiều tài sản của 15 gia đình bị hư hỏng do người dân không kịp vận chuyển đến nơi an toàn; phải di dời khẩn cấp 13 hộ dân.

Còn tháng 5-2022, vụ sạt lở đất đồi phía sau nhà đã làm 3 người trong một gia đình tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) vong và nhà cửa bị hư hỏng. Ngoài 2 vụ việc nghiêm trọng kể trên, hàng năm, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất, lũ quét với quy mô nhỏ. 

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra các loại hình thiên tai nêu trên, chính quyền các địa phương và người dân ở khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp.

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi dốc, khe suối sâu, người dân có thói quen sinh sống gần khu vực sông, suối và trên các sườn đồi núi… nên nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét rất cao.

Không chỉ sinh sống dọc hai bên bờ suối mà người dân xóm Tân Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai), còn phải đi lại qua lòng suối.
Không chỉ sinh sống dọc hai bên bờ suối mà người dân xóm Tân Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai), còn phải đi lại qua lòng suối.

Đơn cử như 84 hộ dân ở xóm Tân Kim, xã Thần Sa. Do địa hình của xóm là khu vực trũng thấp, bà con lại sinh sống dọc 2 bên bờ suối nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá. Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, năm 2022, tỉnh đã triển khai Dự án tái định cư tập trung xóm Tân Kim. Hiện nay, do Dự án đang xây dựng nên người dân vẫn sinh sống ở nơi ở cũ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa (Võ Nhai), chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác cho người dân trong xóm Tân Kim về những nguy có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời xây dựng những phương án ứng phó mưa lũ, di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi xảy ra mưa lũ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai còn có 24 điểm có thể xảy ra sạt lở, ngập lụt, lũ quét với gần 400 hộ dân đang sinh sống gần những khu vực này. Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, chia sẻ: Đối với các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ và cắm biển cảnh báo tại các điểm khi xảy ra mưa lũ. Chủ động rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di chuyển người dân. Huyện cũng đang triển khai khắc phục 3 điểm có nguy cơ cao xảy lũ quét và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Hiện trường một vụ sản lở đất tại xã Bình Thành (Định Hóa). Ảnh: Việt Dũng
Hiện trường một vụ sản lở đất tại xã Bình Thành (Định Hóa). Ảnh: Việt Dũng

Còn tại huyện Phú Lương, theo thống kê trên địa bàn huyện có 20 điểm có nguy sạt lở đất cao và 12 khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét. Để công tác ứng phó với thiên tai đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, huyện đã chú trọng xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, trong đó vấn đề phòng, tránh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất được huyện đặc biệt quan tâm.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, thông tin: Trên cơ sở phân tích các khu vực trọng điểm có thể xảy ra hoặc ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, huyện đã xây dựng kịch bản, đưa ra những biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại. Phòng chức năng và các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo thông qua phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh… để người dân kịp thời nắm bắt và có phương án phòng, tránh thiên tai.

Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất cũng nêu cao tinh thần cảnh giác để ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Ông Triệu Minh Tài, xóm Tân Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai), cho hay: Sạt lở đất, lũ quét thường xảy ra bất ngờ và hậu quả lớn. Vì vậy, hôm nào xảy ra mưa lớn và kéo dài, các thành viên trong gia đình tôi đến nhà người quen ở xóm khác trú tạm, khi nào an toàn mới trở về. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9-2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khoảng 11-13 cơn bão, trong đó khoảng 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền và nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi là rất cao. Do vậy, việc chủ động ứng phó của các cấp chính quyền và người dân ở khu vực miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra.