Giải ngân vốn đầu tư công đang là một trong những vấn đề được các cấp, ngành quan tâm. Đã có nhiều “tối hậu thư”, chỉ thị, chỉ đạo được UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra từ đầu năm, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt được yêu cầu, nhiều đơn vị vẫn đang ở “vạch xuất phát”.
Cầu vượt đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 2-2024. Ảnh: N.N |
Thể hiện quyết tâm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo "nóng". Đáng chú ý là Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 26/1/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo đó, tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Về mục tiêu, Thái Nguyên phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, trong đó, hết quý III/2024 đạt trên 60%, hết quý IV/2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn, từng tháng đối với từng dự án, chương trình, nhiệm vụ đầu tư công do đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án giải ngân thấp sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn trong tháng 10-2024.
Mặc dù tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Theo thông tin từ Sở kế hoạch - Đầu tư, kế hoạch vốn năm do HĐND, UBND tỉnh giao trên địa bàn toàn tỉnh là 9.100 tỷ đồng. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến ngày 31/5/2024 là 1.544 tỷ đồng, trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định là gần 22,6 tỷ đồng; thanh toán vốn kế hoạch năm 2024 là: 1.453/5.612 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, có 13 đơn vị tỷ lệ giải ngân đến nay là 0%.
Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ ra, như: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; dự án liên quan đến việc sử dụng đất quốc phòng, việc thu hồi đất khó khăn, phức tạp; chưa di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện đã có từ lâu, do không đầy đủ hồ sơ nguồn gốc tài sản dẫn đến khó khăn trong việc di dời. Công tác di chuyển một số công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm.
Một số dự án đang hoàn tất thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công. Một số dự án chưa hoàn thiện hồ sơ phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt dự án nên chưa có cơ sở giao kế hoạch vốn…
Chi cục Thủy lợi là một trong những đơn vị đến thời điểm hiện tại chưa giải ngân. Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Năm 2024, Chi cục được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương trên 7,3 tỷ đồng để triển khai các hạng mục công trình điều chỉnh, bổ sung dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất chè tập trung an toàn, chất lượng cao tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, ngày 18/6/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT mới phê duyệt điều chỉnh Dự án, nên đơn vị chưa thể giải ngân. Ngay sau khi có phê duyệt điều chỉnh, đơn vị đã thực hiện các bước tiếp, dự kiến sẽ giải ngân một phần kế hoạch vốn trong tháng 7 và hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 34 ngày 5-6 của UBND tỉnh để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2024, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của đơn vị, địa phương.
Đồng chí cũng yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, các dự án liên vùng, có tác động lan tỏa. Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Liên quan đến lĩnh vực này, UBND tỉnh đã có tờ trình điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thái Nguyên, Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và tờ trình dừng chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư công để trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh tới đây.
Trong tờ trình điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công, đáng chú ý là nội dung điều chỉnh tăng nguồn vốn ngân sách địa phương (xây dựng cơ bản tập trung) năm 2024 từ 987,5 tỷ đồng lên 989,6 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ của Công ty CP Hạ tầng Gelex và Tổng Công ty Viglacera - CTCP để bố trí vốn cho dự án chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư.
UBND tỉnh cũng xin dừng chủ trương đầu tư đối với Dự án Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ lở đất và lũ quét Kim Phượng, huyện Định Hóa, bởi đến nay 28/28 hộ dân đăng ký trong Dự án không còn nguyện vọng di dời đến khu tái định cư tập trung, một số hộ đã tự di dời, xây dựng nhà ở kiên cố.
Đối với Dự án xây dựng trại thực nghiệm của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ, đến nay chưa được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư nên chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp) chưa thực hiện các thủ tục của giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nên việc dừng chủ trương đầu tư là cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin