Từ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2021, TP. Thái Nguyên đã vươn lên dẫn đầu năm 2022 và 2023. Để độc giả hiểu rõ hơn về những giải pháp trong điều hành mà chính quyền TP. Thái Nguyên đã thực hiện thời gian qua, phóng viên (P.V) Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Phạm Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên.
Lãnh đạo UBND TP. Thái Nguyên nhận giấy chứng nhận đơn vị cấp huyện có chất lượng điều hành tốt năm 2023. |
P.V: Nhằm tạo bứt phá trong bảng xếp hạng DDCI giữa các địa phương, TP. Thái Nguyên đã tập trung vào các nhóm giải pháp nào để đạt điểm số 87,58 năm 2023, thưa ông?
Ông Phạm Đức Giang: Xác định nâng cao Chỉ số DDCI là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, UBND TP. Thái Nguyên tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Bám sát 9 chỉ số thành phần như: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, Vai trò người đứng đầu, Mức độ chuyển đổi số, Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, TP. Thái Nguyên đã đề ra các giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường tập trung thực hiện tốt, qua đó nâng cao điểm số các chỉ số thành phần.
Đồng thời, UBND TP. Thái Nguyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND 32 phường, xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về công khai thủ tục hành chính (TTHC), danh mục TTHC sau khi có quyết định công bố của UBND tỉnh; tổ chức niêm yết đầy đủ tại bộ phận một cửa các cấp và công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trang thông tin điện tử của các phường, xã, tạo sự minh bạch để DN người dân tiếp cận thông tin, giúp người dân, DN tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; tích cực hỗ trợ DN.
Nhờ vậy, năm 2023, 3 chỉ số thành phần TP. Thái Nguyên dẫn đầu khối các địa phương như: Hỗ trợ DN đạt 8,76 điểm; Vai trò người đứng đầu đạt 8,85 điểm; Mức độ chuyển đổi số đạt 8,87 điểm.
P.V: Chỉ số thành phần Hỗ trợ DN của TP. Thái Nguyên cao nhất trong các huyện, thành phố, ông có thể nói rõ hơn những nội dung trọng tâm mà TP. Thái Nguyên đã hỗ trợ cho các DN?
Ông Phạm Đức Giang: UBND TP. Thái Nguyên chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, phường phối hợp với đơn vị có liên quan thực hiện hỗ trợ DN trong chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN thông qua hoạt động đào tạo, năng lực quản trị.
Cùng với đó, địa phương tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố với DN trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cộng đồng DN với chính quyền. Từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực và hiến kế của DN trong phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, DN về chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC. Tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, như dự án: Khu nhà ở Cao Ngạn; Khu đô thị số 1 xã Huống Thượng…
Thành phố cũng công bố công khai quy hoạch, cắm mốc giới quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch và giải quyết các kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch xây dựng. Năm 2023, UBND thành phố đã giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng cho 250 tổ chức, cá nhân, DN đến nghiên cứu triển khai thực hiện dự án.
TP. Thái Nguyên nỗ lực tạo mặt bằng sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu dân cư, khu đô thị. |
P.V: DDCI trở thành thước đo đánh giá của cộng đồng DN đối với các sở, ngành, địa phương. Để nâng cao chỉ số này trong năm 2024 và các năm tiếp theo, thành phố đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để góp phần nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, thưa ông?
Ông Phạm Đức Giang: Để duy trì và nâng cao Chỉ số DDCI, TP. Thái Nguyên xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển DN; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Đồng thời, người đứng đầu phải tiên phong, hỗ trợ, đồng hành với DN tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động, có cơ chế, chính sách mới, phù hợp trong thu hút đầu tư.
UBND TP. Thái Nguyên sẽ tiếp tục kiện toàn và củng cố vai trò của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện “Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên”, “Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Thái Nguyên” trên địa bàn. Đồng thời ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành tại địa phương, đơn vị.
Hằng năm, sau khi có kết quả về Chỉ số PCI và DDCI, UBND thành phố đều tổ chức họp đánh giá từng chỉ số thành phần đã đạt và chưa đạt; chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn, đối thoại với DN, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN, từ đó đưa ra các giải pháp cho từng trường hợp cụ thể.
UBND TP. Thái Nguyên cũng sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đạo đức công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và DN.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin