Tuyên truyền để chủ động phòng, chống thiên tai

Dương Hưng 08:39, 03/07/2024

Với địa hình đồi núi chia cắt, huyện Định Hóa có hàng nghìn hộ dân nằm ở khu vực ta luy dương và vùng có ảnh hưởng của lũ quét. Để đảm bảo an toàn, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng ngừa, giảm thiệt hại do thiên tai.

Một hộ dân ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) có nhà ở ngay cạnh ta luy dương cao hơn 10m, tiềm ẩn nguy bị cơ sạt lở đất.
Một hộ dân ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) có nhà ở ngay cạnh ta luy dương cao hơn 10m, tiềm ẩn nguy bị cơ sạt lở đất.

Định Hóa được đánh giá là địa phương có số hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên tai nhiều nhất của tỉnh. Do địa hình chia cắt, trên các tuyến đường có hàng chục đập tràn nên thời điểm có mưa lớn, nước suối dâng cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp. Bên cạnh đầu tư nâng cấp, gia cố các hồ đập chứa nước, hạ độ cao ta luy dương ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao thì địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân chủ động hơn trong việc phòng chống thiên tai, sạt lở.

Người dân trên địa bàn Định Hóa vẫn con nhớ sự việc đau lòng xảy ra vào năm 2017, khi một gia đình 3 người đi ô tô bị nước cuốn trôi và tử vong tại khu vực tràn Bản Vèn (xã Linh Thông). Từ đó đến nay, chính quyền xã luôn cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng túc trực 2 bên khi trời mưa to để hỗ trợ hoặc ngăn người dân đi qua khi nước dâng lên mức nguy hiểm…

Còn tuyến đường chính vào xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh, bị chia cắt gần 30 lần bởi khe suối. Vào những ngày mưa, nước suối dâng cao, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Ông Hầu Văn Thông ở xóm Khuổi Chao chia sẻ: Trước đây, bà con, các em học sinh trong xóm có phần chủ quan khi mưa lớn. Sau khi xã cắm biển cảnh báo, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở trên loa truyền thanh không được đi qua suối khi nước dâng cao nên bà con đã ý thức hơn nhiều. Qua công tác tuyên truyền, gia đình có con em đi học vào ngày mưa thì được người lớn bố trí, hỗ trợ đưa đón qua tràn.

Còn ông Vi Văn Cường, Trưởng xóm Thịnh Mỹ, xã Tân Thịnh, cho biết: Xóm nằm biệt lập, xung quanh toàn đồi núi. Hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ xóm thống kê, rà soát những hộ bị ảnh hưởng, có nguy cơ sạt lở; có phương án tạm thời di dời đến nơi an toàn khi thời tiết mưa to kéo dài… 

Ông Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, chia sẻ: Đặc thù của địa phương miền núi là người dân sinh sống dưới chân núi nên nguy cơ sạt lở khá cao; đôi khi còn chủ quan, lơ là với thiên tai. Vì vậy, chính quyền địa phương đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu. Trong quá trình rà soát các hộ nằm dưới ta luy dương cao, cán bộ cũng chỉ rõ những nguy cơ sạt lở và truyên truyền để bà con nhận thức được mức độ nguy hiểm.

Ngoài công tác tuyền truyền, từ năm 2022 tới nay, huyện Định Hóa đã triển khai 7 dự án xử lý sạt lở đất tại các xã, như: Quy Kỳ, Bình Thành, Bộc Nhiêu, Định Biên, Chợ Chu, Kim Phượng, với kinh phí thực hiện trên 11,3 tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đầu tư sửa chữa, nâng cấp, gia cố 10 hồ chứa nước, với kinh phí trên 22,2 tỷ đồng…

Theo lãnh đạo UBND huyện Định Hóa, trên địa bàn có hàng trăm hộ dân nằm dưới ta luy dương cao, việc giật cấp, hạ độ cao chống sạt lở hoặc di dời bố trí tái định cho người dân gặp khó khăn. Bởi điều này cần nguồn kinh phí lớn; đất thải khi san gạt hạ độ cao rất nhiều nhưng đây được xác định là khoáng sản nên không thể vận chuyển đi nơi khác. Trước mắt, huyện đã tiến hành cắm biển cánh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động phòng tránh.