Trong vòng 7 tháng qua, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 40 dự án đầu tư ngoài ngân sách được cấp quyết định chủ trương, chấp thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký và điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Ngoài ra, cũng đã thu hút hàng chục dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu, cụm công nghiệp và nhiều nhà đầu tư tăng vốn, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sau khi được cấp phép, Dự án sản xuất gia công, lắp giáp linh kiện điện tử với tổng mức đầu tư 25 triệu USD tại KCN Yên Bình do Công ty TNHH KHVATEC làm chủ đầu tư đã khẩn trương hoàn tất quá trình xây dựng nhà máy để chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024. Ảnh: N.N |
Báo cáo mới nhất cho thấy, 7 tháng qua, Thái Nguyên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư cho 10 dự án với tổng số vốn trên 1.200 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 18 dự án với tổng số vốn trên 12.500 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án khác. Như vậy, đến nay tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là trên 900 dự án, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 195.200 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn FDI, toàn tỉnh cũng thu hút được 14 dự án với vốn đăng ký gần 500 triệu USD, đồng thời có thêm 13 lượt dự án tăng vốn với con số trên 63 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh lên con số 213 dự án với số vốn trên 11 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, so với một số tỉnh trong vùng Thủ đô, Thái Nguyên còn nhiều dư địa để thu hút đầu tư với quỹ đất công nghiệp được quy hoạch rất lớn. Cụ thể, Thái Nguyên đang sở hữu 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó có 5 khu đã duy trì hoạt động ổn định. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, tỉnh có 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích lên tới 4.245ha, rất thuận lợi để thu hút đầu tư và mở rộng dự án. Các nhà đầu tư đánh giá rất cao những cam kết của tỉnh về chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách về mặt bằng, đất đai, thuế, thủ tục hành chính…
Nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến KCN Sông Công II - giai đoạn 2 vì đây là một trong những dự án có sức hút lớn. Thứ nhất, KCN này có quy mô lớn, thuận lợi về giao thông, có tính liên kết cao với các KCN còn lại của tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực. Thứ hai, Dự án này được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đầu tư gấp rút. Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng ở đây đang tiến triển tích cực, chính quyền địa phương đã thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 407 hộ, tổng diện tích trên 88ha. Tỉnh đã có chủ trương đầu tư 3 dự án tái định cư và 1 nghĩa trang nhân dân để kịp thời phục vụ dự án. Ngoài ra, với 4 KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì có 3 KCN là: Phú Bình, Yên Bình 3 và Thượng Đình đã có doanh nghiệp đề xuất chủ trương đầu tư hạ tầng.
Không chỉ các KCN, nhà đầu tư cũng rất chú ý đến các cụm công nghiệp (CCN) trên cơ sở phù hợp với điều kiện đăng ký đầu tư của từng doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm quy hoạch, thu hút đầu tư hạ tầng CCN. 7 tháng qua, tỉnh đã phê duyệt thêm 6 dự án CCN với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỷ đổng, với diện tích gần 359ha, nâng tổng số dự án CCN có chủ đầu tư hạ tầng lên 27/41 CCN được quy hoạch.
Điều kiện đầu tư thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng kích thích sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và các dự án đầu tư vào Thái Nguyên. 7 tháng qua, toàn tỉnh đã có thêm 608 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh, trên 1.130 doanh nghiệp được cấp điều chỉnh, thay đổi và gần 400 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp được cấp phép thành lập. Đáng chú ý, đã có trên 300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Như vậy, hiện tại toàn tỉnh có trên 10.300 doanh nghiệp với vốn đăng ký xấp xỉ 150.000 tỷ đồng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin