Nâng hạng Chỉ số PCI: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Thúy Hằng 06:59, 20/08/2024

Năm 2023, Thái Nguyên đã vươn lên vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 2 bậc so với năm 2022. Kết quả này thể hiện rõ sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở đánh giá khách quan những mặt mạnh cũng như một số hạn chế, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục có những giải pháp mạnh để cải thiện các chỉ số còn thấp điểm; coi trọng việc lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm. Từ đó tiếp tục nâng hạng Chỉ số PCI của tỉnh.

Sau hơn 1 năm được thành lập và đi vào hoạt động, Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều dự án được triển khai thuận lợi hơn. Ảnh: N.N
Sau hơn 1 năm được thành lập và đi vào hoạt động, Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều dự án được triển khai thuận lợi hơn. Ảnh: N.N

Trong năm 2023, có 5/10 chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên tăng thứ hạng so với năm 2022, gồm: Chi phí thời gian xếp thứ hạng 8/63, tăng 48 bậc; Chi phí không chính thức xếp thứ hạng 4/63, tăng 34 bậc; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh xếp thứ hạng 6/63, tăng 30 bậc; Đào tạo lao động xếp thứ hạng 4/63, tăng 8 bậc; Cạnh tranh bình đẳng xếp thứ hạng 41/63, tăng 6 bậc.

Ở chiều ngược lại, 5/10 chỉ số giảm thứ hạng là: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất xếp thứ hạng 4/63, giảm 2 bậc; Tính minh bạch xếp thứ hạng 50/63, giảm 15 bậc; Chính sách hỗ trợ DN xếp thứ hạng 61/63, giảm 9 bậc; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ hạng 27/63, giảm 11 bậc; Gia nhập thị trường xếp thứ hạng 21/63, giảm 16 bậc.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá: Thái Nguyên có chỉ số phát triển kinh tế rất khả quan, thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong suốt thời gian qua. Về môi trường và phát triển DN, tỉnh nhìn nhận Chỉ số PCI là động lực phát triển kinh tế. Đối với một số chỉ số giảm điểm, các sở, ban, ngành, địa phương cần cải thiện; tạo ra đột phá để trở thành một trong những tỉnh đi đầu về Chỉ số PCI của cả nước.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Tổng điểm PCI năm 2023 của Thái Nguyên đạt 67,48 điểm, tăng 1,38 điểm so với năm 2022. Trong đó, 5 chỉ số tăng điểm đã phản ánh chính xác môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang có những thay đổi tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, xuyên suốt và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và các địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt là công tác đối thoại với cộng đồng DN, nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Thái Nguyên tư vấn, thông tin các chính sách về xuất nhập khẩu hàng hóa cho cán bộ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan Thái Nguyên tư vấn, thông tin các chính sách về xuất nhập khẩu hàng hóa cho cán bộ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Ông Nguyễn Văn Thời cũng bày tỏ tin tưởng: Với sự quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tinh thần “sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về mình” của từng sở, ban, ngành, huyện, thành phố đối với việc cải thiện từng chỉ số thành phần, chắc chắn môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư tốt hơn, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển…

Ngay sau khi công bố Chỉ số PCI, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI năm 2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh. Trọng tâm là thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 201/NQ-HĐND thông qua Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện từng chỉ số. Các đơn vị đều quan tâm rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC); thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, DN để kịp thời giải quyết những tồn tại, vướng mắc…

Đối với TP. Thái Nguyên, theo ông Phạm Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Tại Hội nghị công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) được UBND tỉnh tổ chức mới đây, có 3 chỉ số thành phần của TP. Thái Nguyên dẫn đầu khối các địa phương, trong đó có Chỉ số Hỗ trợ DN. Để nâng cao chỉ số này trong năm 2024 và những năm tiếp theo, TP. Thái Nguyên xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển DN; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý. TP. Thái Nguyên cam kết đồng hành hỗ trợ DN tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động, có cơ chế, chính sách mới, phù hợp trong thu hút đầu tư.

Dẫn đầu khối các sở, ban, ngành về chỉ số DDCI năm 2023 là Sở Thông tin và Truyền thông, với 87,95 điểm. Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc tư vấn miễn phí chuyển đổi số cho DN. Hướng dẫn các DN tiếp cận, ứng dụng miễn phí các nền tảng, giải pháp công nghệ số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ của Sở Công Thương trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ của Sở Công Thương trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số PCI thể hiện qua sự hài lòng của DN thông qua các TTHC, cơ chế, chính sách, đồng hành, lắng nghe DN, giúp DN tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin công khai, minh bạch, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại. Để tiếp tục hỗ trợ DN, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã đưa 12 phương án đơn giản hóa TTHC, trong đó giảm thành phần hồ sơ của 5 TTHC và giảm số lượng hồ sơ phải nộp của 1 TTHC.

Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Sở đang đẩy mạnh hỗ trợ các DN, HTX trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Từ đó góp phần định hướng và tạo động lực cho các DN, HTX và người nông dân hướng đến kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng...

Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương nhằm cải thiện những chỉ số còn thấp điểm và giữ vững, nâng cao số điểm của các chỉ số đã thăng hạng trong năm 2023, tin tưởng Thái Nguyên sẽ nâng cao Chỉ số PCI năm 2024.