Nâng hạng PCI: Không “nỗ lực suông”

Thu Hằng        11:53, 13/06/2023

Với 10 chỉ số thành phần, được chấm điểm thông qua 142 chỉ tiêu, từ nhiều năm nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành “thước đo” đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chính bởi vậy, để có được thứ hạng tốt rất cần sự chung tay, nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương.

Đến nay, Dự án mở rộng của Công ty SEMV đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu bước vào sản xuất thử nghiệm, dự kiến sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7 tới. Ảnh: T.L
Chỉ số PCI được cải thiện đồng nghĩa với việc DN thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Trong ảnh: Dự án mở rộng nhà máy của Công ty SEMV đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu bước vào sản xuất thử nghiệm. Ảnh: T.L

Năm 2022, Chỉ số PCI của Thái Nguyên đạt 66,1 điểm, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2021). Tuy nhiên, đây không phải thứ hạng tỉnh mong muốn. Chính vì thế, trong nhiều cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PCI, để Thái Nguyên không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi các nhà đầu tư luôn muốn gắn bó lâu dài.

Nhìn lại các giải pháp đã thực hiện nhằm nâng cao Chỉ số PCI, có thể thấy, không chỉ cấp ủy, chính quyền các cấp, mà chính cộng đồng DN, doanh nhân cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt là lãnh đạo các hội, hiệp hội DN. Trước đó, sau khi biết kết quả năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố (tụt 17 bậc so với năm 2020), tỉnh đã đưa ra một loạt giải pháp.

Theo đó, ngoài tổ chức cuộc họp, hội nghị đánh giá, tập huấn nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao Chỉ số PCI, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường đối thoại với cộng đồng DN, đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đã có gần 20 sở, ngành, địa phương tổ chức đối thoại. Hiệp hội DN tỉnh và hội DN các địa phương đã trở thành "cầu nối" thông tin mời hội viên tham dự và tổng hợp các ý kiến, câu hỏi gửi đến đơn vị chủ trì phục vụ việc đối thoại.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2022, Thái Nguyên thực hiện việc khảo sát, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI), nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị. Qua đó, tác động tích cực trở lại đối với PCI.

Với việc 100% thủ tục hành chính đã thực hiện giao dịch trực tuyến mức độ 4 đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết công việc tại hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh.
100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 4 giúp các đơn vị thuận tiện hơn trong giải quyết công việc tại hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Với mục tiêu tiếp tục cải thiện PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Cải thiện môi trường đầu tư nâng cao chỉ số PCI tỉnh" diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm nâng cao từng chỉ số thành phần.

Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, ngày 1/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Công văn số 2581/UBND-TH về việc giao nhiệm vụ tham mưu giải pháp triển khai thực hiện nâng cao Chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh và 9 huyện, thành phố đều phải có trách nhiệm tham gia và được giao nhiệm vụ cụ thể. Cùng với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là người đứng đầu.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và cơ quan liên quan chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu cải thiện chỉ số thành phần Gia nhập thị trường; phối hợp với các ngành cải thiện chỉ số thành phần Tính minh bạch và Tiếp cận thông tin.

Sở Công Thương có trách nhiệm đối với chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ DN; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với chỉ số thành phần Đào tạo lao động; Sở Thông tin và Truyền thông là Tính minh bạch và Tiếp cận thông tin.

Sở Tài nguyên và Môi trường với chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai, Sự ổn định trong sử dụng đất và phối hợp cải thiện chỉ số thành phần Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức…

Đối với một số đơn vị liên quan trực tiếp đến những chỉ tiêu cụ thể, UBND tỉnh cũng phân rõ trách nhiệm.

Đơn cử như với Cục Thuế tỉnh, bên cạnh phối hợp triển khai các giải pháp cải thiện thứ hạng của chỉ số thành phần Chi phí không chính thức, Chi phí thời gian, đơn vị này được giao kiểm tra, rà soát, có giải pháp cải thiện chỉ tiêu "Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế”.

Công an tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, có giải pháp cải thiện và chịu trách nhiệm đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy”…

Hay tại Hội nghị đánh giá PCI, công bố kết quả DDCI năm 2022 diễn ra chiều 12-6, một lần nữa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố trong việc tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính để đạt được kết quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới.

Về vấn đề nâng hạng PCI, đại diện nhiều sở, ban, ngành cho rằng: Việc phân định “rõ người, rõ việc” sẽ “buộc” từng đơn vị phải có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chỉ số này, hạn chế được tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Qua đó, khắc phục được nhiều chỉ tiêu Thái Nguyên đang nằm ở top cuối, như: thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; phải chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu; thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh; trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra môi trường…

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, bày tỏ: Chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để vượt qua khó khăn, khi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo PCI của tỉnh và đặt ra quyết tâm đưa Thái Nguyên về lại top 20 trong Bảng xếp hạng Chỉ số PCI. Tôi tin môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên sẽ tiếp tục được cải thiện, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động.

Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: So với 3 năm (2015-2017) PCI của tỉnh nằm trong top 10 cả nước, năm 2022, chỉ số này cao tới hơn 4 điểm, nhưng thứ hạng thì tụt 15-16 bậc. Thực tế này cho thấy, không riêng Thái Nguyên mà tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều đang rất nỗ lực để cải thiện PCI. Do đó, các giải pháp cần thiết phải được triển khai một cách đồng bộ, tích cực.

"Việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong năm 2023 và những năm tiếp theo".

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng