Chính quyền năng động, thân thiện đồng hành với doanh nghiệp

Thúy Hằng 18:38, 01/09/2024

Với quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, lãnh đạo UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương của Thái Nguyên luôn cầu thị, lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, giúp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Chi cục Hải quan Thái Nguyên hỗ trợ Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo thực hiện thủ tục xuất khẩu
Cán bộ Chi cục Hải quan Thái Nguyên hỗ trợ Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo thực hiện thủ tục xuất khẩu.

Cải thiện môi trường đầu tư

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của Thái Nguyên xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022 (trong đó có 5/10 chỉ số thành phần tăng hạng). Mặc dù chưa đạt mục tiêu top 20 mà tỉnh đề ra, những kết quả này cũng thể hiện rõ sự tập trung lãnh đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân.

Tại Hội nghị công bố kết quả Chỉ số CPI mới đây, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ kết quả, đặc biệt là các chỉ số thành phần có điểm số thấp, giảm điểm để nghiêm túc đánh giá, từ đó xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cơ quan, đơn vị chủ động triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ; tăng cường tổ chức đối thoại, gặp mặt nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư.

Năm 2023, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính (Par index) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác điều hành và phục vụ của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) gắn với xây dựng chính quyền điện tử.

Đối với lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tiêu biểu phải kể đến TTHC đăng ký DN được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 1-2 ngày; thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. 

Cùng với rút ngắn thời gian, cắt giảm hồ sơ thành phần các TTHC, tỉnh công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương và duy trì tốt ứng dụng C-Thái Nguyên, trang thông tin tiếp nhận ý kiến, phản ánh và được trao đổi, chỉ đạo giải quyết kịp thời. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Qua rà soát, từ năm 2023 đến nay có 94 dự án có khó khăn, vướng mắc, đã giải quyết xong 27 dự án.

Sở Công Thương duy trì đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Sở Công Thương duy trì đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tăng đối thoại, “gỡ” khó khăn

Với phương châm “sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tổ chức đối thoại, lắng nghe đại diện các DN, nhà đầu tư. Riêng năm 2023, Thái Nguyên tổ chức 23 hội nghị đối thoại, hỗ trợ DN, trong đó nhiều hội nghị có sự tham dự của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Việc tổ chức đối thoại đã trở thành thường xuyên, liên tục từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, nhà đầu tư về TTHC, tiếp cận đất đai, vốn, lĩnh vực thuế, hải quan...

Nhằm hỗ trợ quyết toán thuế và rà soát, tổng hợp các vướng mắc quy định tại Luật Quản lý thuế, tháng 3-2024, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Hiệp hội DN tổ chức hội nghị đối thoại thu hút hơn 200 DN tham gia. Đầu tháng 5-2024, Sở Công Thương tổ chức đối thoại với các DN trên địa bàn để nắm bắt về tình hình sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương. 

Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, đã trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về TTHC trong việc mở rộng Cụm công nghiệp Phú Lạc 2; một số DN tại Đồng Hỷ, Võ Nhai phản ánh nguồn điện không đảm bảo; kiến nghị của doanh nghiệp FDI về việc hạn chế cắt điện phục vụ sản xuất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đơn hàng…

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 (TP. Thái Nguyên), đánh giá: Ngoài gặp mặt đối thoại, mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư cụm công nghiệp để tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Tôi tin tưởng vào quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chủ động của các sở, ngành, địa phương sẽ khơi thông nguồn lực để DN đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Doanh nghiệp đồng hành phát triển

Những năm qua, cộng đồng DN trong tỉnh có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. 3 năm, số DN đăng ký thành lập mới là 2.934 DN. Các DN không chỉ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho lao động tại địa phương và tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện ý nghĩa. Các DN trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, trao học bổng và tặng quà cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…

Theo Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Thái Nguyên có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển lâu dài, bền vững của khu vực, trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Tỉnh được xác định nằm trong khu vực động lực phát triển với vai trò là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng; trung tâm luyện kim, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao… Tin rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng DN, kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới, khẳng định rõ vai trò là một cực tăng trưởng, động lực dẫn dắt vùng.



Giá máy lạnh 4hp bao nhiêu tiềnCửa hàng Bếp từ tại Cao Bằng