Sự phát triển của công nghệ số đem lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, mặt trái của nó là trên mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin bóp méo sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả với dụng ý xấu, định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, gây hoang mang trong nhân dân và chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện.
Công an TP. Phổ Yên lấy lời khai các bị can trong vụ án thông tin sai sự thật về nữ nhân viên Samsung (Thái Nguyên), tháng 8-2024. |
Nhận diện thông tin xấu, độc
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện buồn về quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2000, học viên Trường Quân sự Quân khu 1 tử vong năm 2021. Sự việc không mong muốn đã xảy ra, khiến ai cũng thương tiếc cho chàng trai trẻ. Thế nhưng, một số đối tượng, thế lực đã lợi dụng sự việc này để tung tin sai sự thật. Trên mạng xã hội tràn lan thông tin về vụ việc, trong đó có rất nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Đặc biệt, trên kênh “Người Việt News” đã đăng nhiều đoạn video clip có sử dụng hình ảnh của Đại tá Đinh Văn Nơi (khi đó là Giám đốc Công an tỉnh An Giang) làm hình đại diện với nhiều nội dung bịa đặt, xuyên tạc. Điều này đã dấy lên luồng dư luận tiêu cực, khiến nhiều người hoang mang.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên, trao đổi nghiệp vụ xử lý một vụ việc thông tin sai sự thật trên không gian mạng. |
Ngoài vụ việc trên, sự phát triển mạnh của các trang mạng xã hội kéo theo những thông tin xấu, độc có chiều hướng gia tăng. Thượng tá Triệu Xuân Hiếu, Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh, cho biết: Thông tin xấu độc thường có ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, nói xấu chính quyền và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia; vi phạm chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, đồi trụy; lừa đảo trên mạng…
Hậu họa khôn lường
Đầu năm 2024, cơ quan chức năng phát hiện, xác minh, làm rõ đối tượng N.T.T, sinh năm 1998, ở xã Lương Phú (Phú Bình) đang là công nhân tại Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam, đã thu thập thông tin, tư liệu và lập tài khoản Facebook mang tên “Cho Dong-gil” và sử dụng hình ảnh chân dung, gia đình ông Cho Dong-gil (Chủ tịch Tập đoàn Halsol) với mục đích giả mạo tài khoản trên mạng xã hội của ông này.
Hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định pháp luật” nói trên của T. đã bị Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xử lý một trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng. |
Kế tiếp, đến tháng 4-2024, ông N.T.V (sinh năm 1971, ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) đăng tải bài viết có tiêu đề “Thái Nguyên thực nghiệm cho lợn ăn chè xanh” trên tài khoản Facebook cá nhân, nội dung liên quan đến việc triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên”.
Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết là không đúng sự thật, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học cũng như Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên); ảnh hưởng đến phát triển ngành chè, thương hiệu chè Thái Nguyên và lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, cũng như tác động xấu trong xã hội và người dân.
Với hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức”, ông V. đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, buộc phải gỡ bài viết đã đăng tải.
Theo số liệu thống kê của Hệ thống Giám sát và Thông tin trực tuyến trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instagram, TikTok), trung bình hằng năm có khoảng 220.000 lượt đăng tải, chia sẻ các tin, bài, nội dung phản ánh về tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, ngoài thông tin tích cực, trung lập thì có tới trên 32.000 thông tin tiêu cực. Hiện có hàng chục nhóm (group), blog cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin về tỉnh Thái Nguyên. |
Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý khi đăng tải thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Còn nhiều trường hợp vì mâu thuẫn cá nhân, bức xúc đã lên mạng để “giải tỏa” bằng cách xúc phạm, bôi nhọ danh dự người khác, cũng đã được xử lý nghiêm.
Thiếu tá Ngô Xuân Hà, Đội trưởng Đội 1, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh, cho biết: Quy định của pháp luật về xử lý các hành vi đăng thông tin sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng có mức phạt từ 5-10 triệu đồng, tùy theo hành vi. Đặc biệt một số hành vi có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý về “tội làm nhục người khác”, “tội vu khống”, “tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”… mức phạt cao nhất có thể lên đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Đó là về phía người đăng tải, phát tán thông tin, còn đối với người tiếp nhận những thông tin xấu, độc đó nếu sức “đề kháng” kém sẽ bị tác động tới nhận thức, có cách nhìn lệch chuẩn. Các thông tin soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của cá nhân, tổ chức còn gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.
Các loại video clip đồi trụy được phát tán rộng rãi là vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mĩ tục, cũng là nguyên nhân dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội ngụy tạo những câu chuyện không có thật, lợi dụng tâm lý tò mò của người sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin xấu, độc, tạo thành “làn sóng” thông tin, gây nhiễu loạn, khiến tâm lý người dân hoang mang, mất niềm tin.
Tăng “sức đề kháng”
Thông tin xấu độc xuất hiện ở mọi cấp độ, phổ biến ở mọi quốc gia và đương nhiên nó cũng xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác, đấu tranh, xử lý, đồng thời tăng tuyên truyền, cảnh báo đến người dân.
Tổ công tác của Sở Thông tin và Truyền thông nắm bắt vụ việc, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng. |
Theo thống kê của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh: Trong năm 2023 và 8 tháng năm 2024, các lực lượng Công an tỉnh phát hiện, tiến hành đấu tranh làm rõ, phối hợp xử lý 32 vụ/35 trường hợp liên quan đến thông tin xấu độc, sai sự thật. Qua đó xử phạt hành chính 35 trường hợp thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền gần 250 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến nội dung thông tin vi phạm pháp luật; cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội...
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước tập trung nắm tình hình, nhất là trên không gian mạng, kịp thời phát hiện thông tin đăng tải liên quan, thông tin xấu, độc để tuyên truyền định hướng thông tin chính thống. Đấu tranh phản bác, gỡ bỏ, vô hiệu hóa các tin, bài viết phức tạp, sai sự thật trên mạng xã hội để ổn định tình hình dư luận.
Theo đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển thông tin báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đồng thời chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ thường xuyên theo dõi thông tin về tỉnh trên báo chí và mạng xã hội; tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử, website của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, điểm truy cập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc...
Cùng với sự quyết liệt của các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh với các thông tin xấu, độc, mỗi người khi tham gia mạng xã hội hãy thông thái, tỉnh táo nhận diện, kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ, bình luận. Đồng thời tự trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận diện, tạo “miễn dịch”, có ý thức ngăn chặn, phản bác những thông tin xấu, độc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin