Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập xin thôi việc để chuyển ra ngoài làm là sự chênh lệch đáng kể về thu nhập. Cũng vì lý do này, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện nhiều năm liền không tuyển đủ bác sĩ. Vậy sau khi lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng thêm 30% (từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng), các cơ sở y tế công có đủ “sức” giữ chân và thu hút bác sĩ?
Hoạt động khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình. |
Bác sĩ Lê Thành Cương, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng tỉnh, chia sẻ: Với mức lương mới hiện nay, nhìn chung các nhân viên y tế đều phấn khởi, vì người ít cũng được tăng trên dưới 2 triệu đồng/tháng (bao gồm cả phụ cấp ưu đãi nghề), người nhiều thì tăng 5-6 triệu đồng. Vui nhất có lẽ là bộ phận điều dưỡng, kỹ thuật y, nhân viên hành chính, bởi nếu so với cùng chức năng, nhiệm vụ tại các cơ sở y tế tư nhân thì thu nhập của các vị trí này ở khối y tế công lập hiện cao hơn đáng kể, nhất là những người có hệ số lương cao. Thậm chí, với mức thu nhập này, còn có thể tạo ra sức hút đối với những điều dưỡng, kỹ thuật y từ khối tư nhân sang khối công lập.
Cụ thể, trong khi trung bình thu nhập của một điều dưỡng, kỹ thuật y… tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng, thì tại cơ sở y tế công, sẽ đạt khoảng 7-8 triệu đồng. Còn với những người công tác lâu năm, mức thu nhập có thể đạt từ 15-17 triệu đồng/tháng, tương đương với thu nhập của bác sĩ có cùng thời gian công tác.
Tuy nhiên, vị trí bác sĩ thì lại khác. Trong khi y tế công trả lương bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y… cùng một thang bảng lương (mặc dù vai trò, trách nhiệm của bác sĩ nặng nề hơn rất nhiều), thì ở khối y tế tư nhân, bác sĩ luôn được trả lương cao nhất, thường gấp từ 2-3 lần, thậm chí là 4-5 lần so với các vị trí khác. Thực tế cho thấy, nhiều bác sĩ có thâm niên công tác từ khoảng 7-10 năm trở lên tại các bệnh viện công không khó để nhận được lời mời làm việc tại phòng khám hay bệnh viện tư với mức lương từ 1-1,5 triệu đồng/ngày. Thời gian làm việc 8 giờ/ngày; được nghỉ 1 ngày/tuần, không phải trực và nếu làm thêm giờ hoặc thực hiện các thủ thuật sẽ được trả thêm lương. Do đó, thu nhập trung bình của nhiều bác sĩ phòng khám/bệnh viện tư dao động từ 25-50 triệu đồng/tháng (tùy chuyên khoa, tay nghề của bác sĩ)… Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn để thu hút và giữ chân bác sĩ.
Liên quan đến thu nhập có sự chênh lệch đáng kể giữa y tế công và y tế tư, bác sĩ Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên, dẫn chứng: Bao năm nay, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng bác sĩ, nhất là bác sĩ gây mê. Cách đây 7 năm, Trung tâm động viên mãi mới có 1 bác sĩ của một bệnh viện trên địa bàn tỉnh đồng ý về làm việc. Để bác sĩ này yên tâm công tác, Trung tâm còn bố trí cho cả vợ vào làm ở bộ phận hành chính. 4 năm sau, Trung tâm tạo điều kiện để bác sĩ này đi học chuyên khoa 1. Nhưng, sau khi học xong (cuối năm 2023), đến tháng 4-2024, bác sĩ này đã có đơn xin thôi việc, mặc dù lúc đó, Trung tâm đang làm các thủ tục để bổ nhiệm làm trưởng khoa. Vào thời điểm đó, tổng thu nhập của bác sĩ này được khoảng trên 10 triệu đồng/tháng (cả tiền trực). Còn khi chuyển ra phòng khám tư nhân ở tỉnh Bắc Giang, mức thu nhập sẽ vào khoảng 40-45 triệu đồng/tháng...
Mức lương của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để y tế công tuyến cơ sở thu hút, thậm chí là giữ chân được bác sĩ giỏi. |
Cũng do không có bác sĩ gây mê (trong khi cần tối thiểu 2 bác sĩ) nên nhiều tháng nay, Trung tâm Y tế TP. Phổ Yên không thể thực hiện được ca phẫu thuật nào. Ngoài ra, một số chuyên khoa khác như nội, tâm thần kinh… tại Trung tâm cũng vẫn đang thiếu bác sĩ, nhưng rất khó tuyển. Chính vì thế, trong khi nhu cầu tối thiểu cần là 40 bác sĩ (kế hoạch được giao là trên 50 bác sĩ), thì hiện Trung tâm mới có 25 bác sĩ hệ điều trị và 3 bác sĩ hệ dự phòng, mặc dù năm nào đơn vị cũng tổ chức tuyển. Đây cũng là thực tế đang xảy ra ở không ít bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: Có nhiều yếu tố để một bác sĩ gắn bó với cơ sở y tế công lập. Bên cạnh tiền lương, môi trường làm việc; cơ hội thăng tiến; sự tạo điều kiện để được đào tạo nâng cao trình độ… cũng là những yếu tố hết sức quan trọng để thu hút và giữ chân bác sĩ.
Từ năm 2020 đến tháng 8-2024, trong tổng số gần 1.100 bác sĩ thuộc Sở Y tế quản lý, có 53 bác sĩ ở nhiều bệnh viện/trung tâm y tế khác nhau xin thôi việc (chiếm tỷ lệ gần 5%). Trong số này đáng chú ý có một số bệnh viện, chỉ trong 1-2 năm đã có tới vài bác sĩ, thậm chí nhiều hơn cùng xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. |
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, đại đa số các bác sĩ đều có chung mong muốn được gắn bó lâu dài với đơn vị đang công tác, bởi ở đó có sự ổn định, có các đồng nghiệp thân quen và được tạo điều kiện để phát triển, trưởng thành… Chính vì thế, thay vì chọn ra ngoài làm toàn thời gian, nhiều người chọn gắn bó với y tế công và làm thêm ở y tế tư, hoặc tự mở phòng khám vào ngoài giờ hành chính.
Quả thật, với những người làm công ăn lương, trong đó có các y bác sĩ thì thu nhập là một trong những yếu tố rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định trong việc đi hay ở. Với mức lương như hiện nay có thể nói vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút, thậm chí là giữ chân được các bác sĩ giỏi. Chính vì vậy, vẫn rất cần có thêm những chính sách ưu đãi đối với đội ngũ này.
Còn trong bối cảnh hiện tại, việc giá dịch vụ y tế đang chưa được tính đúng, tính đủ khiến các cơ sở y tế công gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên nên rất cần được cấp có thẩm quyền sớm quan tâm tháo gỡ. Có như thế mới giúp các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả, từ đó có điều kiện giữ chân nhân viên, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, cũng như giúp công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được đảm bảo, thuận tiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin