Chế độ chính sách cho cán bộ y tế công lập: Cần sự quan tâm thỏa đáng

Tùng Lâm (thực hiện) 10:10, 16/04/2023

Không chỉ là trung tâm văn hóa, kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên còn là tỉnh có hệ thống y tế khá phát triển với 1 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt; 12 bệnh viện tuyến tỉnh; 24 bệnh viện tuyến huyện và 178 trạm y tế tuyến xã. Lực lượng cán bộ toàn Ngành cũng hùng hậu với hơn 4.400 cán bộ thuộc Sở Y tế quản lý và trên 1.300 cán bộ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu người, tuy nhiên theo tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, thu nhập của cán bộ ở các cơ sở y tế công lập vẫn còn khiêm tốn.

Là xã đông dân, thiếu nhân lực nên cán bộ Trạm Y tế Nam Hòa (Đồng Hỷ) luôn phải nỗ lực hết mình trong công việc nhưng thu nhập lại ít ỏi.
Là xã đông dân, thiếu nhân lực nên cán bộ Trạm Y tế Nam Hòa (Đồng Hỷ) luôn phải nỗ lực hết mình trong công việc nhưng thu nhập lại ít ỏi.

P.V: Hơn một năm qua, tại nhiều tỉnh trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam đã xảy ra tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển ra các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân làm việc để có mức thu nhập cao hơn. Thái Nguyên có tình trạng này không, thưa ông?

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy: Dù không phổ biến nhưng tại Thái Nguyên cũng xuất hiện vài trường hợp chuyển từ cơ sở y tế công lập ra cơ sở y tế tư nhân làm việc. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đã bắt đầu ổn định. Đặc biệt, nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện đã có những sáng kiến trong thu hút bác sĩ đến làm việc nên phần nào giảm áp lực cho hoạt động chuyên môn của các đơn vị.

P.V: Theo ông, khó khăn nhất đối với các chế độ chính sách hiện hành cho cán bộ y tế ở các cơ sở y tế công lập của Thái Nguyên là gì?

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy: Để có chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ cần 7,5 năm học tập, thực hành y khoa với chi phí cao hơn các ngành khác. Những người theo học cử nhân điều dưỡng cũng vô cùng vất vả, không chỉ học trên lớp mà phải thực hành cả trong bệnh viện, chương trình học đòi hỏi sự chuyên tâm cao… Sau khi tốt nghiệp, ra trường, cán bộ ngành Y phải làm việc vất vả, đặc biệt là trong hơn 3 năm qua, cùng với những áp lực trong công tác khám, chữa bệnh, cán bộ y tế còn phải “căng mình” chống dịch COVID-19.

Dẫu vậy, chế độ tiền lương lại chưa tương xứng với việc đầu tư cho học tập và những nỗ lực trong quá trình công tác của cán bộ ngành Y. Thực tế, mức lương tại các cơ sở y tế công lập vẫn được tính theo bậc. Người có trình độ đại học, khi bắt đầu đi làm được tính bậc 1, hệ số 2,34 nhân với lương cơ bản. Dù một số cơ sở khám, chữa bệnh đặc thù được hưởng phụ cấp theo quy định thì mức lương của cán bộ ngành Y mới ra trường cũng chỉ đạt trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng (những người có trình độ trung cấp, cao đẳng, mức lương còn thấp hơn).

Dù biết mức thu nhập này là thiệt thòi cho những nỗ lực và cống hiến của cán bộ ngành Y nhưng đây là quy định chung của Nhà nước nên chúng tôi đang chờ những quy định mới để triển khai…

P.V: Có lực lượng cán bộ y tế hùng hậu, có trình độ, năng lực chuyên môn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân là mục tiêu mà Thái Nguyên đã hướng đến nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước những khó khăn về chính sách tiền lương đối với cán bộ y tế như ông vừa nêu trên thì thời gian tới, ngành Y tế sẽ có những giải pháp gì để giữ chân cán bộ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập?

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Huy: Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai các phần viêc cần thiết để cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sớm được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định mới. Theo đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện.

Mức phụ cấp 40% áp dụng với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.

Quy định mới này được áp dụng từ ngày 1-1 năm nay nhưng hiện vẫn đang chờ các bước tiếp theo và quyền lợi cho cán bộ y tế sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất…

Cùng với đó, Sở đang khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đổi mới trong công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên giáo dục, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhân lực y tế cho các chuyên khoa khó tuyển dụng, tuyến huyện, xã. Đồng thời bố trí vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ để họ phát triển, cống hiến hết khả năng chuyên môn; chi trả các khoản lương, thưởng theo quy định kịp thời…

Đặc biệt là quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ y tế để kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của họ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn; tăng cường tuyên truyền, vận động để cán bộ yên tâm gắn bó với nghề…

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!