Thời gian qua, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực từ việc thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất ngiệp (BHTN). Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra trên phạm vi cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp tổng thể, trong đó cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm Luật BHXH năm 2024.
Các doanh nghiệp khi sử dụng lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (ảnh mang tính chất minh họa). |
Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy, mặc dù tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN so với số tiền phải thu giảm theo từng năm, nhưng về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng bảo hiểm vẫn tăng, đến nay đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tác động không nhỏ đến công tác an sinh xã hội.
Với Thái Nguyên, hiện nay số người tham gia bảo hiểm chưa tương xứng với thực tế của tỉnh. Tính đến hết tháng 8-2024, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 38,9% so với lực lượng lao động, số người tham gia BHYT đạt khoảng 93,7% dân số, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT chiếm 1,17% so với số phải thu.
Do vậy, để giải quyết tình trạng chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Trước mắt, tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp phải đánh giá ngay, đánh giá đúng tình hình và tiến độ thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, giai đoạn. Tăng cường tuyên truyền, vận động để doanh nghiệp, người dân chấp hành nghiêm các quy định trong Luật BHXH, từ đó tự nguyện tham gia bảo hiểm.
Riêng đối với cơ quan BHXH tỉnh, theo yêu cầu phải tiếp tục quản lý, nắm bắt chặt chẽ số lượng đơn vị, doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia hoặc tham gia bảo hiểm chưa đầy đủ cho người lao động. Chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh và liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Việc thanh tra phải duy trì thường xuyên và đột xuất, nhất là với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong thu, đóng, giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm.
Tỉnh cũng giao ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ngoài phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành còn chủ trì tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho các nhóm đối tượng theo quy định nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Ngành Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT phục vụ người dân; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Các địa phương trong tỉnh theo phân cấp quản lý và chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật BHXH…
Theo Luật BHXH năm 2024, biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin