Đó là một trong những vấn đề được đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, nhấn mạnh tại Hội nghị đánh giá hiệu quả công tác rà soát, thống kê xóa nhà tạm, nhà dột nát, sáng 1-11. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin - Truyền thông; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến chủ trì Hội nghị. |
Thực hiện Thông báo số 01-TB/BCĐ ngày 22/10/2024 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên, căn cứ tình hình thực tế, 9/9 huyện, thành phố, 177/177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Một số địa phương đã thành lập các tổ giúp việc BCĐ; tổ công tác của UBND cấp huyện; tổ khảo sát tại các hộ gia đình; tổ thẩm định, kiểm tra, đánh giá kết quả rà soát, lập hồ sơ xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ giúp việc BCĐ thực hiện vận động, tiếp nhận kinh phí hỗ trợ.
Qua rà soát, thống kê, đến ngày 31-10, tổng số hộ đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là 2.776 hộ (trong đó, huyện Định Hóa có 1.045 hộ; 8 huyện, thành phố còn lại có 1.731 hộ).
Nguồn lực dự kiến thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là trên 98 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí do các địa phương tự bố trí là 4,44 tỷ đồng; kinh phí đã có từ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Hỗ trợ nhà ở của Bộ Quốc phòng, Quỹ Thiện tâm và nguồn xã hội hóa là 11,76 tỷ đồng; kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 17,88 tỷ đồng; kinh phí do tỉnh bố trí để hỗ trợ các hộ là gần 64 tỷ đồng.
Đại diện UBND huyện Định Hóa báo cáo tiến độ thống kê, rà soát số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. |
Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, như: Số nhà tạm, nhà dột nát chưa hoặc không đủ điều kiện để được hỗ trợ xây mới, sửa chữa còn nhiều; nhiều hộ dân còn vướng mắc liên quan đến đất đai hoặc chưa có kinh phí đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở...
Các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm đúng tiến độ.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn bảo đảm đúng tiêu chí theo hướng dẫn của Sở Xây dựng và công bằng giữa các hộ, thời hạn hoàn thành trước ngày 3/11/2024.
Các sở, ngành chức năng tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương để theo dõi, tổng hợp tiến độ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát theo từng giai đoạn; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương để bảo đảm đúng tiến độ đề ra…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin