Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Minh Quân 11:26, 22/11/2024

Dịch tả lợn Châu Phi cùng với bão lũ những ngày qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Đồng thời, tác động tiêu cực đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng, nhất là và dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chính vì thế, việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh là yêu cầu quan thiết hiện nay.

Người dân xã Dân Tiến (Võ Nhai) rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng nuôi lợn của gia đình nhằm phòng chống dịch bệnh.
Người dân xã Dân Tiến (Võ Nhai) rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng nuôi lợn của gia đình nhằm phòng chống dịch bệnh. Ảnh: TL

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 81.000 con, cao gấp 2,6 lần sới với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc có số lượng lợn bị mắc bệnh cao, một số địa phương giáp ranh với Thái Nguyên. Bên cạnh đó, cơn bão số 3, số 4 và số 6 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Với tỉnh Thái Nguyên, DTLCP xảy ra từ tháng 5 năm nay tại 31 hộ thuộc 9 xóm của xã Tràng Xá và xã Dân Tiến (Võ Nhai) với tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 131 con. Mặc dù tỉnh Thái Nguyên đã công bố hết dịch vào cuối tháng 6/2024, nhưng nguy cơ dịch bùng phát còn nhiều tiềm ẩn. Mặt khác, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão cũng đã làm gần 206.000 con gia súc, gia cầm bị chết, trên 219 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập..., ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP trên địa bàn. Tinh thần chung là hạn chế thấp nhất khả năng DTLCP xâm nhập vào Thái Nguyên; nỗ lực bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP, ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch từ sớm nếu có.

Khi phát hiện dịch bệnh, phải có ngay biện pháp khống chế, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả phòng dịch, các địa phương phải tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Mặt khác, có ngay biện pháp tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như: DTLCP, Lở mồm long móng, Tai xanh, Tụ huyết trùng... tại các địa phương có nguy cơ cao, bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn.

Cần thiết phải tổ chức kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra tại các cơ sở thu gom, chế biến, giết mổ lợn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán, thu gom, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, lợn chết mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn đưa vào giết mổ không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển, các trường hợp vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo quy định. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh từ cơ sở; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Các sở, ngành, đơn vị, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế phải chủ động phối hợp theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên về phòng, chống DTLCP đạt hiệu quả cao nhất.