Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tại không ít địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn khiến nhiều người phải nhập viện. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn hiện hữu và gây lo lắng trong nhân dân. Tuy thời gian gần đây chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào, nhưng với Thái nguyên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm không thể lơ là.
Y, bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP. Vũng Tàu. |
Gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở nhiều tỉnh, thành với hàng trăm người mắc, trong đó nhiều vụ liên quan tới bếp ăn tập thể cho học sinh, sinh viên và công nhân. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra trên 100 vụ ngộ độc thực phẩm, số người bị ngộ độc tăng gấp 2 lần năm trước.
Vụ ngộ độc sau ăn bánh mì tại TP. Vũng Tàu tháng 11 vừa qua làm gần 300 người phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, ngày 8-10, tại tỉnh Lào Cai cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 80 học sinh, sinh viên ở nội trú trong ký túc xá Trường Cao đẳng Lào Cai cơ sở 1 mắc phải, trong đó có 54 em phải nhập viện.
Điểm lại một số vụ từ đầu năm đến nay gồm: Vụ ngộ độc xảy ra tháng 1 tại hộ kinh doanh bánh mỳ Thu Hà làm 150 người nhiễm độc phải đi viện; vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh vào tháng 3 làm 369 người bị nhiễm phải nhập viện. Rồi vụ ngộ độc tại tiệm bánh mỳ Cô Băng, tháng 4 làm 547 người phải vào viện; vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của công ty TNHH Dechang Việt Nam tháng 5 làm 95 người nhập viện… Tất cả các vụ ngộ độc này đều nghi do vi sinh vật Salmonella gây ra. Theo Bộ Y tế, ngoài Salmonella, các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác còn có E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus...
Trước thực trạng trên, dù chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào, nhưng tỉnh Thái Nguyên không chủ quan, lơ là. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là dịp gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Đối với sở Y tế, tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ trong cộng đồng; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn trọng điểm, khu công nghiệp, các khu, điểm du lịch, nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, sinh viên, khách du lịch... Hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, tăng cường công tác tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Chuẩn bị các phương án cấp cứu, điều trị kịp thời khi có người bị ngộ độc thực phẩm.
Với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, tăng số lượng mẫu kiểm nghiệm, giám sát thực phẩm có nguy cơ cao nhằm phát hiện chất cấm, dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Kiên quyết xử lý, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khi có đủ căn cứ đối với các trường hợp vi phạm.
Với Sở Công Thương và chính quyền các địa phương, ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị trên địa bàn. Xử lý nghiêm các vi phạm, đình chỉ hoạt động những cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin