Theo phản ánh của người dân, trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn còn các điểm giết mổ gia cầm tự phát tại các chợ, khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên còn nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tự phát trong khu đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Một điểm giết mổ tại khu vực chợ Túc Duyên. |
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có 4 cơ sở giết mổ tập trung (gồm: 1 cơ sở giết mổ lợn tập trung với công suất khoảng 30 con lợn/ngày, 2 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gia cầm với công suất 300-500 con/ngày, 1 cơ sở giết mổ hỗn hợp) có phép, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cử cán bộ kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y.
Do thói quen sử dụng thịt động vật tươi sống của người dân, nhiều tiểu thương ở các chợ lớn, nhỏ hoặc tại các khu vực dân cư, đô thị vẫn giết mổ tự phát khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.Dọc tuyến đường Bến Oánh, Bắc Nam; chợ Thái, Túc Duyên, Đồng Quang…, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh tiểu thương nuôi nhốt gia cầm hoặc giết mổ vật nuôi tại chỗ khi khách hàng có nhu cầu.
Điều đáng nói là khi được hỏi về những nguy hại từ công việc này, hầu hết tiểu thương đều rất lo lắng nhiễm dịch bệnh, nhất là khi có dịch cúm gia cầm, nhưng vì mưu sinh vẫn phải duy trì.
Chị Nguyễn Thị Lý, tiểu thương tại chợ Túc Duyên: Mỗi ngày tôi bán khoảng 20-25 con gia cầm và hầu hết khách hàng đều nhờ giết mổ, làm sạch. Nếu không thịt thì gần như họ không mua và đi sang cửa hàng khác.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết tiểu thương đều giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, vệ đường. Lông gà, vịt được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ; nước thải xả thẳng ra cống rãnh bên cạnh. Thực trạng này không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn là điều kiện phát sinh các mầm bệnh.
Anh N.V.H, ở tổ 12, phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), cho biết: Cạnh nhà tôi có hộ kinh doanh, giết mổ gà, vịt nhiều năm nay nhưng không có các biện pháp bảo vệ môi trường. Nước thải thường được xả trực tiếp ra cống của khu dân cư. Hơn nữa, hộ dân này còn nuôi nhốt nhiều gà, vịt phía sau nhà, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý theo quy định, đảm bảo môi trường.
Hhiện nay, việc quản lý các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát thuộc trách nhiệm của UBND các xã, phường. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập về nhân sự quản lý và chế tài xử lý vi phạm.
Điểm giết mổ gia cầm tự phát tại đường Bắc Nam, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên). |
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên, chia sẻ: Trên địa bàn phường hiện có khoảng 10-12 điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát. Phường cũng đã chỉ đạo cán bộ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và cho 100% tiểu thương ký cam kết chấp hành các quy định về giết mổ, kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật. Tuy nhiên, cán bộ thú y tại phường hiện nay là kiêm nhiệm, rất khó khăn trong việc quản lý, nhắc nhở thường xuyên nếu các tiểu thương vi phạm. Phường đã lập biên bản một số trường hợp vi phạm quy định và tịch thu tài sản (như máy vặt lông, bàn cân…), nhưng giá trị tài sản tịch thu nhỏ, trong khi đó số tiền xử phạt lớn (5-7 triệu đồng/lỗi vi phạm), nhiều hộ kinh doanh không nộp phạt, chấp nhận bỏ tang vật.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàng, như nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, công tác quản lý các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát còn khó khăn trong việc xử lý tài sản tịch thu sau đó. UBND phường phải báo cáo với thành phố, thành lập hội đồng xử lý với tài sản tịch thu. Chính vì vậy, việc kiểm soát các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, phường mới dừng ở khâu tuyên truyền, nhắc nhở hoặc phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố xử lý với các lỗi vi phạm khác nếu có.
Theo quy định của pháp luật, việc giết mổ động vật phải thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Trường hợp tại các vùng nông thôn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú ý… Đối chiếu các quy định này với thực tiễn, hầu hết điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, tự phát hiện nay trên địa bàn TP. Thái Nguyên đều vi phạm.
Thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ trên địa bàn, với khoảng 2-3 đợt/năm. Tuy nhiên, ngay sau đợt kiểm tra, các hộ kinh doanh lại tái phạm mặc dù đã được nhắc nhở, tuyên truyền, ký cam kết.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Thái Nguyên, thông tin: Tập quán, thói quen sử dụng thịt động vật tươi sống, tự giết mổ là nguyên nhân chính dẫn đến việc còn tồn tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát hiện nay.
Để khắc phục tình trạng này, các phòng chuyên môn của TP. Thái Nguyên đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh gia súc, gia cầm của tiểu thương tại các chợ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù tại các chợ có quy hoạch khu vực giết mổ gia cầm, nhưng cơ sở vật chất lại không đảm bảo các quy định của pháp luật. Những trường hợp này, đoàn công tác thường dừng ở việc nhắc nhở, hoặc xử lý vi phạm với các lỗi liên quan về an toàn vệ sinh thực phẩm; nguồn gốc động vật...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin