Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Không chỉ làm tốt chức năng quyết định và giám sát, HĐND tỉnh còn có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó đã tiếp thêm niềm tin của cử tri đối với đại biểu HĐND, vai trò đại biểu dân cử ngày càng thể hiện rõ nét.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. |
Đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường
Giám sát (GS) trên tinh thần xây dựng, kiến tạo sự phát triển là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên thời gian qua.
Căn cứ vào chương trình GS đã được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức GS chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: GS chuyên đề việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018-2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP)…
Đơn cử, qua công tác GS về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn GS cũng đã chỉ ra một số tồn tại, như: Chất lượng công tác lập, thẩm định, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của một số cơ quan chuyên môn còn có nội dung chưa sát. Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong việc chấp hành các quy định của Luật Đầu tư công còn có nội dung chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa tích cực trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; việc theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai thực hiện chưa thường xuyên…
Cũng qua công tác GS, tháng 9-2024 Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018-2023; việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát, GS của Ban Pháp chế và Ban Văn hóa - Xã hội đã được xây dựng thành phóng sự hình ảnh trình chiếu tại phiên chất vấn với những hình ảnh, số liệu cụ thể, sinh động về thực trạng, đưa “hơi thở” cuộc sống vào nghị trường để cùng làm rõ. Với tinh thần trách nhiệm cao, 10 đại biểu HĐND tỉnh đã nêu câu hỏi chất vấn có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương thực hiện sắp xếp đối với những đơn vị qua rà soát đã đủ điều kiện đảm bảo cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; tăng cường đánh giá, sàng lọc để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm…
Trước khi giám sát, các ban của HĐND tỉnh tổ chức khảo sát kỹ tại cơ sở đối với những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. |
Giải quyết dứt điểm kiến nghị chính đáng của cử tri
Với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao trước nhân dân, thời gian qua HĐND tỉnh đã tăng cường đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đã tác động tích cực đến kết quả giải quyết, ngày càng đáp ứng tốt hơn niềm tin, kỳ vọng của cử tri.
Qua công tác GS việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 16; các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao UBND tỉnh đã tiếp thu, giải quyết và trả lời 100% ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cơ bản các nội dung được trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm, có phương án, lộ trình giải quyết cụ thể; một số ý kiến kéo dài qua nhiều kỳ họp đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Các sở, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị.
Cụ thể, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và giải quyết xong 15/91 ý kiến, kiến nghị của cử tri, chiếm 16,49% trên tổng số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong đó, một số ý kiến, kiến nghị kéo dài qua nhiều kỳ họp đã được quan tâm, giải quyết tích cực.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã xem xét, giải trình và thông tin với cử tri về 44/91 ý kiến, kiến nghị, chiếm 48,35% trên tổng số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết. UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung nghiên cứu, xem xét giải quyết đối với 32/91 ý kiến, kiến nghị, chiếm tỷ lệ 35,16%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, việc trả lời có nội dung chưa đầy đủ, thể hiện rõ kết quả giải quyết…
Chất vấn tại các kỳ họp là một trong nhiều hoạt động được các đại biểu HĐND tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để chất vấn đại diện các sở, ngành, địa phương. |
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thường xuyên rà soát tiến độ giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri để kịp thời đôn đốc, xử lý những vướng mắc phát sinh và hướng giải quyết phù hợp, không để tồn đọng, kéo dài
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường GS việc thực hiện nghị quyết đã được ban hành nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời, các đoàn khảo sát còn làm việc với các cơ quan, đơn vị nhằm lắng nghe ý kiến nhân dân để phục vụ các cuộc GS; cải tiến, đổi mới phương pháp, nội dung GS, khảo sát, kiểm tra theo hướng cụ thể, chuyên sâu. Cùng với đó là tăng cường công tác theo dõi, GS thực hiện kết luận phiên chất vấn giải trình, kiến nghị sau GS, thể hiện rõ nét vai trò đại biểu dân cử.
Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên: HĐND tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hình thức giám sát, tập trung vào những vấn đề được cử tri, dư luận quan tâm. Các kết luận, kiến nghị giám sát yêu cầu phải được thảo luận tập thể, giảm kiến nghị mang tính định tính, tăng kiến nghị mang tính định lượng; tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát kết luận, kiến nghị sau giám sát đến cùng từng vấn đề.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin