Giao lưu nghệ thuật “50 năm – nỗi đau còn đó”

08:50, 08/08/2011

Tại đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng...

Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011), tối 6/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang phối hợp tổ chức chương trình Cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “50 năm- nỗi đau còn đó”. Chương trình được tài trợ chính bởi tập đoàn SVA và được báo Quân đội nhân dân bảo trợ thông tin.

 

Tham dự chương trình tại điểm cầu Thái Nguyên có bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Chính ủy Quân khu 1; Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đại diện lãnh đạo tập đoàn SVA. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các tướng lĩnh đã nghỉ hưu và các cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp trong tỉnh; đại diện các Hội Nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn; các nhà hảo tâm...

 

Chương trình giao lưu nghệ thuật  “50 năm- nỗi đau còn đó”  là dịp giúp người dân hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, đồng thời vinh danh những nạn nhân da cam/dioxin đã vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống và biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình đã tận tình giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong thời gian qua... Cầu truyền hình như một thông điệp nhắc nhở mọi người: Có cuộc sống hòa bình như hôm nay, nhiều người dân đất Việt đã phải đổ máu, xương, nhiều người con từ mặt trận trở về phải mang trong cơ thể thứ hóa chất độc hại, không chỉ bản thân mà con cháu của họ phải chung sống với nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo. Hơn thế nữa, nhiều người có con, cháu sinh ra bị quái thai, mang hình hài dị dạng, bị thiểu năng trí tuệ… Hiện ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang có hàng chục nghìn người là nạn nhân CĐDC, trong đó có cả thế hệ thứ 2 đang hưởng trợ cấp của Nhà nước.  Nhiều gia đình có tới 4 người đang hưởng chế độ trợ cấp này. Để xoa dịu “Nỗi đau da cam”, trong những năm gần đây Hội Nạn nhân CĐDC 2 tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ nạn nhân CĐDC; huy động được hàng tỷ đồng để dành thăm hỏi, tặng quà vào các ngày Tết, lễ; làm nhà, sửa chữa nhà; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng xe lăn; khám, chữa bệnh miễn phí… cho nạn nhân CĐDC.

 

 

              Tặng quà gia đình nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Nguyên

 

Chương trình còn khơi dậy tình cảm trách nhiệm, lương tâm, đạo lý của người Việt Nam và bạn bè quốc tế có những hành động chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt lên số phận, ổn định cuộc sống và tiếp tục hành trình đòi công lý.

 

Chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam/đioxin, tại buổi giao lưu, nhiều tập thể, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng... Đại diện Hội Nạn Nhân CĐDC Việt Nam và lãnh đạo UBND 2 tỉnh đã trao tặng Bằng Vinh danh chứng nhận tấm lòng vàng của các doanh nhân, nhà hảo tâm có nhiều tâm huyết, đóng góp tích cực trong hoạt động giúp đỡ nạn nhân CĐDC. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã trao Bằng khen cho 7 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Hội Nạn nhân CĐDC.

 

 Tiết mục văn nghệ của các nghệ sĩ và nạn nhân chất độc da cam tại điểm cầu Thái Nguyên

 

Chương trình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với hàng nghìn khán giả theo dõi trực tiếp và đông đảo khán giả xem truyền hình./.

 

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.