Phát triển hạ tầng giao thông: Ghi tại buổi đối thoại trực tuyến

17:05, 30/08/2012

Bấy lâu nay, hạ tầng giao thông luôn là vấn đề trăn trở đối với Thái Nguyên, là rào cản cho sự phát triển của tỉnh. Chỉ cách Hà Nội 75km nhưng việc một nhà đầu tư từ Thủ đô muốn lên Thái Nguyên làm việc và trở về trong ngày lại khá gian nan, nhất là trong thời điểm các dự án giao thông đang cải tạo hiện nay. Trước thực trạng đó, để góp phần tìm lời giải cho vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, ngày 30-8, UBND tỉnh đã phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc giao lưu, đối thoại truyền hình trực tuyến với chủ đề: “Hạ tầng giao thông – Khâu đột phá để xây dựng Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực trung du, miền núi phía Bắc”. Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và đồng chí Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) là khách mời đối thoại. Cuộc đối thoại được tường thuật trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) và Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyen.gov.vn).

Đúng 9 giờ, buổi đối thoại trực tuyến chính thức bắt đầu. Câu hỏi đầu tiên cho hai vị khách mời: “Đâu là khó khăn và rào cản lớn nhất của hạ tầng giao thông Thái Nguyên?” Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài một số khó khăn về mặt bằng thì nguồn vốn đầu tư hạ tầng chính là rào cản lớn nhất. Hiện nay, cũng do vấn đề nguồn vốn mà một số dự án giao thông quan trọng của tỉnh chưa được triển khai hoặc triển khai còn chậm. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm: Vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, các khu tái định cư còn ít, năng lực nhà thầu yếu kém cũng là những rào cản lớn với Thái Nguyên.

 

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra chính là “Thái Nguyên sẽ đột phá như thế nào trong giai đoạn tới?”. Về câu hỏi này, người đứng đầu UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh giai đến năm 2015, tầm nhìn 2030. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư các dự án giao thông quan trọng, trong đó tập trung vào các tuyến kết nối liên vùng, liên tỉnh, liên huyện; tiến hành lập dự án cải tạo các tuyến Quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn, Quốc lộ 37 Thái Nguyên – Tuyên Quang, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt, đường thủy nội địa. Thái Nguyên sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với phát huy nội lực bên trong từng bước xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho giao thông. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, sự quan tâm tạo đột phá của Thái Nguyên là rất khả thi. Bộ GTVT sẽ hoàn toàn ủng hộ các kế hoạch về phát triển giao thông của tỉnh.

 

Trả lời câu hỏi trực tiếp của ông Lê Văn Chung và một số người dân đang sinh sống trên địa bàn T.X Sông Công thông qua tổng đài điện thoại 0804.8113 của chương trình về tại sao tiến độ nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 3 cũ quá chậm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giải thích: Lỗi chính là do Tập đoàn Sông Đà (nhà thầu thi công tuyến đường) rất yếu kém về năng lực. Hiện nay, Tập đoàn này đã chính thức có văn bản trình Chính phủ xin phép bàn giao lại dự án cho nhà đầu tư khác. Bộ GTVT đã chấp thuận bố trí nguồn vốn từ Quỹ An toàn giao thông Quốc gia để đầu tư 19km đường tính từ đầu tuyến Thái Nguyên trở đi, còn 10km phía khu vực cầu Đa Phúc hiện vẫn chưa bố trí được nguồn vốn. Tỉnh và Bộ đang đốc thúc các nhà thầu, quyết tâm hoàn thành những gói thầu đã bố trí được nguồn vốn trong tháng 1 năm 2013. Với câu hỏi của người dân về vấn đề thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ GTVT trả lời: Kế hoạch đề ra là sẽ hoàn thành Dự án trong năm 2013, nhưng với tiến độ này thì phải kéo dài hết năm 2014 mới có thể xong. Nguyên nhân là do sự kết hợp giữa các nhà thầu nước ngoài và trong nước còn yếu. Bộ đang can thiệp xử lý toàn bộ các nhà thầu kém; giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà; đưa công nghệ tiên tiến vào thi công; yêu cầu các nhà thầu tranh thủ làm hai ca (ca hai từ 15 giờ đến 21 giờ) để đẩy nhanh tiến độ.

 

Người dẫn Chương trình đã đưa ra nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong chuyến công tác tại Thái Nguyên gần đây về những khó khăn trong xây dựng và phát triển giao thông nông thôn của tỉnh theo quy hoạch nông thôn mới, đồng thời đặt câu hỏi đó với hai vị khách mời. Đồng chí Dương Ngọc Long cho rằng, cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh từ nhiều năm nay chưa được quan tâm đúng mức vì nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Địa bàn dân cư thưa thớt nên việc huy động đối ứng của nhân dân là có mức độ. Những năm qua, tỉnh đã vận động người dân hiến đất làm đường đạt kết quả tốt. Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế linh hoạt, đối với những xã trọng điểm, ngoài các nguồn đầu tư khác, mỗi xã được đầu tư 2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, các xã còn lại là 600 triệu đồng/xã. Ngoài ra, tỉnh còn ứng một phần vốn vay xi măng (40 nghìn tấn) của các nhà máy sản xuất xi măng ở địa phương để bố trí xây dựng hạ tầng giao thông cho các xã. Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin thêm: Mặc dù không quản lý trực tiếp nhưng Bộ rất quan tâm đến vấn đề giao thông nông thôn. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ phát hành Trái phiếu xi măng, theo đó mỗi tỉnh một năm được phân bổ vốn (bằng xi măng) xây dựng từ 300 đến 500km đường giao thông nông thôn. Như vậy, đến năm 2015, cả nước có thể tiêu thụ từ 5 đến 7 triệu tấn xi măng/năm. Với kế hoạch đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Thái Nguyên tăng cường huy động hình thức xã hội hóa đầu tư giao thông và tích cực tiếp cận, triển khai những chính sách của Nhà nước về giao thông.

 

Trong thời gian 1 tiếng rưỡi đối thoại trực tuyến, hai vị khách mời cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của khán giả xung quanh các vấn đề giao thông của tỉnh hiện nay như: Tình hình tai nạn giao thông; vấn đề giảm tải giao thông cho cầu Gia Bảy; tình hình úng ngập trong nội thị T.P Thái Nguyên; vấn đề an toàn thi công… Được biết, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên trong cả nước trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về vấn đề đang được dư luận quan tâm. Đây là tiền lệ tốt, là quyết tâm của tỉnh trong việc công khai, minh bạch, tìm sự đồng thuận để thực hiện các chủ trương chính sách lớn ở địa phương.