Ngày 17/12, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra một số mô hình nuôi cá Tầm ở xã La Bằng (Đại Từ).
Cá Tầm được Trung tâm Thủy sản tỉnh nuôi ở khu vực đầu nguồn con suối Kẹm cách đây hơn 2 năm. Sau khi Trung tâm Thủy sản nuôi thử nghiệm thành công, tại đây, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư nuôi loại cá nước lạnh này. Đến nay, đã có 7 tập thể, hộ gia đình đầu tư nuôi cá Tầm, trong đó mô hình nuôi cá Tầm của anh Trần Viết Vinh, cán bộ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là lớn nhất. Cuối năm 2011, anh Vinh đã cùng bạn bè góp vốn đầu tư xây 18 bể nuôi 8.500 con cá tầm trên diện tích 200m2, làm đường giao thông… hết khoảng 1,3 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình mỗi con cá Tầm đã nặng khoảng 2-2,5kg, dự kiến khoảng 3-4 tháng nữa, số cá này sẽ được thu hoạch.
Qua buổi kiểm tra cho thấy, những mô hình nuôi cá Tầm đang phát triển rất tốt, cá khỏe mạnh, lên cân nhanh và đặc biệt, đầu ra sản phẩm thuận lợi. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, không phải ở đâu cũng có điều kiện thuận lợi để nuôi cá nước lạnh như La Bằng. Do đó, địa phương phải biết khai thác thế mạnh này để phát triển kinh tế.
Cùng ngày, đồng chí Đặng Viết Thuần đã đến thăm mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Một thành viên Công nghệ sinh học Phú Gia (Đài Loan). Trên diện tích hơn 3ha, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền công nghệ… với tổng số tiền 43,6 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 1 và đi vào sản xuất từ giữa năm 2011, đến nay, sản phẩm nấm của Công ty đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.