Đó là mục tiêu chung trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh.
Với quan điểm gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, UBND tỉnh đã xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình; Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ; Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định. Với kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình lần này, các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sẽ được quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện nhiều hơn.
Tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.