Ký ức sống mãi trong lòng thành phố Thép

16:40, 27/04/2013

Chiến tranh đã đi qua nhưng trong ký ức của những công nhân Gang thép - chiến sĩ tự vệ năm xưa, hình ảnh về đất Thép và tinh thần quật cường một lòng bảo vệ thành quả lao động vẫn luôn rực cháy. Qua thời gian, tinh thần ấy được lưu truyền cho các thế hệ công nhân, để họ chung sức, tiếp tục xây dựng và phát triển Khu Công nghiệp Gang thép ngày nay.

Năm 1959, Thái Nguyên được Đảng, Chính phủ chọn là địa điểm để xây dựng Khu Công nghiệp (KCN) Gang thép - đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp nặng. Hơn 1,5 vạn người từ mọi miền Tổ quốc đã tiến về, cùng nhau san đồi, xẻ núi, tập trung sức lực để xây dựng công trường Gang thép, làm nên khu công nghiệp quy mô, thành quả của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vào thời điểm các công trình trọng điểm được triển khai thi công (tháng 8/1964), giặc Mỹ bất ngờ leo thang bắn phá miền Bắc. Tập thể lãnh đạo, công nhân lao động của Công ty Gang thép (nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) vừa thi đua sản xuất vừa chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu phòng khi chúng bắn vào KCN. Sau 2 năm đẩy mạnh xây dựng, sản xuất, ngày 29/4/1966, máy bay phản lực của Mỹ chính thức ném bom, mở đầu chiến dịch tàn phá KCN. Từ đó đến cuối năm 1972, giặc Mỹ đã huy động hơn 1.700 lượt máy bay, với 115 trận đánh phá, thả gần 3.000 quả bom các loại xuống KCN. Để bảo vệ và duy trì hoạt động của KCN, Công ty đã thành lập đội tự vệ để vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hàng nghìn công nhân đã gửi đơn xin gia nhập đội tự vệ, sẵn sàng hy sinh bảo vệ thành quả lao động. Công nhân, đội “tự vệ thép” với khẩu hiệu “bám máy, bám lò” sẵn sàng “đổi máu lấy thép” đã di chuyển tài sản ra khỏi mục tiêu, vừa sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu. Những mẻ gang vẫn ra lò đi khắp mọi miền tổ quốc. Trên bầu trời Gang thép đã có 59 máy bay bị bắn hạ, 5 giặc lái Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ. Chúng tôi đã gặp và được trò chuyện với những người công nhân Gang thép - chiến sĩ tự vệ ngày ấy.

 

 

 

Vượt qua nhiều khó khăn, các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty CP Gang thép Thái Nguyên luôn đoàn kết, gắn bó, một lòng xây dựng, bảo vệ và phát triển sản xuất kinh doanh

 

Trong ngôi nhà cách Khu Công nghiệp Gang thép không xa, ông Nguyễn Khắc Hà (75 tuổi), một trong số những công nhân gắn bó với Xưởng Luyện cốc (nay là Nhà máy Cốc Hóa, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) từ những ngày bắt đầu xây dựng Xưởng, nguyên Chủ tịch Công đoàn của Nhà máy như được sống lại thời oanh liệt khi nói về những năm tháng đánh Mỹ. Ông kể: Thời gian đầu khi Mỹ tấn công, cả KCN gần như hoàn toàn bị tê liệt. Vừa hăng hái sản xuất, tôi cùng gần 100 công nhân trong Nhà máy vừa tham gia trực chiến tại Đồi Yên Ngựa. Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là vào buổi chiều một ngày tháng 8/1966 (ông không nhớ rõ là ngày nào - PV), khi còi báo động rú lên, tôi cùng anh em trong tổ trực chiến nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Tiếng bom địch, tiếng pháo nổ rền vang nhưng các anh em không hề nao núng, nhằm thẳng quân thù để bắn. Khoảng 30 phút sau, một chiếc máy bay địch trúng đạn, rơi xuống, các chiến sĩ đã xông lên bắt được 2 tên phi công Mỹ. Trận đánh thắng lợi, đêm hôm đó, bầu trời khu vực Nhà máy chỉ có tiếng còi xe quanh lò đang làm việc, những mẻ cốc lại “hừng hực” ra lò như tấm lòng người chiến sĩ tự vệ đang dâng trào niềm vui chiến thắng…

 

Cùng với ông Hà, tham gia sản xuất, chiến đấu trong giai đoạn đó còn có ông Đào Phúc Sơn, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn Tự vệ, Bí thư Đảng ủy Xưởng Luyện Cốc, Chỉ huy Phó Sư đoàn Gang thép. Năm nay đã ngoài 85 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Không quên những năm tháng đã gắn bó với Gang thép máu lửa. Ông kể rằng: Khi giặc Mỹ bắn phá KCN, trong hoàn cảnh vừa phải sản xuất, vừa sơ tán bảo vệ, việc xây dựng lực lượng phòng không của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, ông cùng các anh em công nhân “ngày tập, đêm làm”, kiên quyết bám trụ địa bàn. Nhiều công nhân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Khu Gang thép… Năm 1967, một lần khi giặc Mỹ thả bom bi vào KCN, do khoảng cách ngắn nên bom không nổ, hơn 400 quả bom nhỏ tung ra nằm rải rác trên đường công nhân đi làm. Khi đó, Tiểu đội tự vệ do ông làm Tiểu đội trưởng được lãnh đạo Công ty chỉ đạo xử lý bom, dọn đường để công nhân đi làm. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, là người chỉ đạo trực tiếp công nhân Nhà máy sản xuất, chiến đấu, để bảo vệ quyền lợi, sự an toàn cho công nhân, ông đã phải lấy tinh thần tự nguyện của đảng viên để thực hiện nhiệm vụ. Ông nhớ lại: "Tham gia thực hiện nhiệm vụ đó có 14 đảng viên. Lúc đó tôi nghĩ dù mình phải hi sinh cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cùng một đồng chí trong Đội nín thở tháo bom. Cuối cùng, bom không nổ và chúng tôi biết rằng bom chỉ nổ khi va chạm mạnh nên tôi đã chỉ huy anh em phải thu dọn thật nhẹ nhàng, cẩn thận tất cả số bom vào hố, thông đường cho công nhân tiếp tục tham gia sản xuất…

 

Qua những câu chuyện kể về thời hào hùng ấy ông gửi gắm vào đó hy vọng rằng thế hệ sau hãy tiếp nối, giữ vững truyền thống cha ông, xây dựng KCN Gang thép ngày càng phát triển. Và ý chí những người làm thép cũng phải cứng rắn như thép, như lời Bác Hồ đã từng dạy khi về thăm Thái Nguyên lần thứ Ba vào ngày 1/1/1964: "Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cứng rắn như thép, như gang...".

 

Với truyền thống lịch sử 50 xây dựng, bảo vệ và phát triển, có thể thấy, những thành quả mà họ đã và đang tạo dựng lên thật xứng đáng. Trong cuộc nói chuyện gần đây nhất với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Giang, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết: Những năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân lao động của Công ty luôn đoàn kết, gắn bó, xây dựng Công ty ngày càng vững mạnh. Hiện, Công ty duy trì việc làm với mức lương ổn định trung bình 4 triệu đồng/người/năm cho gần 6.000 lao động; quan tâm xây dựng lực lượng bảo vệ, tự vệ với gần 350 người… Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản xuất tiêu thụ 550 nghìn tấn thép, doanh thu đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, hoàn thành xây dựng Nhà máy luyện gang 2, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động...

 

Hướng tới Kỷ niệm 38 năm Ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) và 50 năm xây dựng, phát triển Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, được gặp gỡ, nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công nhân, chiến sĩ tự vệ năm xưa về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của Công ty, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc tinh thần và trách nhiệm quên mình vì Tổ quốc của các thế hệ công nhân Gang thép.