Ngày 16/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh.
So với Luật Hôn nhân gia đình năm 1959, 1986 thì Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2001) có một bước tiến lớn, hoàn thiện hơn nhiều cả về hình thức, nội dung. Luật đã quy định tương đối đầy đủ những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới của đất nước như: vấn đề về điều kiện kết hôn nhất là sự tự nguyện trong hôn nhân; vấn đề tài sản và quan hệ tài sản; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, con cái, các thành viên khác trong gia đình; quy định vấn đề ly hôn; quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình…Sau 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 bộc lộ một số hạn chế, mâu thuẫn đòi hỏi phải được hoàn thiện phù hợp với sự phát triển hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cần bổ sung quy định chặt chẽ, rõ ràng cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận tài sản trước khi kết hôn; quy định rõ ràng quan hệ tài sản cũng như con cái trên cơ sở các quyền sở hữu của pháp luật liên quan đối với những trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn hoặc những trường hợp kết hôn đồng giới….
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 trên cơ sở tôn trọng quyền con người, bảo đảm bình đẳng giới và bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người yếu thế đồng thời thể hiện được những giá trị tuyền thống, phù hợp với pháp luật của các nước trên thế giới; sửa đổi, bổ sung Luật cần rà soát, kế thừa các quy định hiện hành và tạo ra một cơ chế pháp lý rõ ràng giải quyết những vấn đề của hôn nhân gia đình…