Thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và thông qua kết quả giám sát thực hiện một cửa

15:02, 27/11/2013

Ngày 27-11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã họp thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh sắp tới. Tham dự có đồng chí Triệu Minh Thái, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đại diện các Ban của HĐND tỉnh; các thành viên trong Ban Pháp chế; đại diện các ngành liên quan. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, trong đó có các nội dung về: Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 và tiếp thu giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; công tác xét xử thi hành án hình sự, kết quả thi hành án dân sự, công tác kiểm sát năm 2013 và nhiệm vụ các công tác trên năm 2014; việc đặt tên một số đường, phố trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Ngoài ra, còn một số tờ trình liên quan đến chế độ chính sách; giao biên chế hành chính sự nghiệp; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh...

 

Qua nghiên cứu các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết, các đại biểu đã đề nghị các ngành liên quan bổ sung thêm một số nội dung: đánh giá cụ thể hơn về tình hình an ninh chính trị, công tác quốc phòng quân sự địa phương; vấn đề an toàn giao thông, kết quả đào tạo nghề cho lao động; phân tích rõ từng nội dung Chủ đề năm 2014... Bên cạnh đó, cần có báo cáo giải trình về các chỉ tiêu năm 2014: tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp; số lao động được tạo việc làm mới; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.   

  

Ngoài ra, các đại biểu còn có nhiều ý kiến phân tích sâu các nội dung thuộc nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp như: Đề nghị cần làm rõ nguyên nhân các vụ đình chỉ điều tra; hủy quyết định khởi tố vụ án, bị can; vụ án không kháng nghị, hủy án để xét xử sơ thẩm lại; tình trạng quá tải ở các trại tạm giam, tạm giữ; lý do tỷ lệ án giải quyết thấp; tỷ lệ án sửa, hủy tuy đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn còn cao; cần có đánh giá về công tác Hội thẩm nhân dân và bổ sung kết quả các vụ án vào báo cáo; phân loại nhóm các đối tượng hay phạm tội để có biện pháp tuyên truyền tốt hơn…  Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến và sẽ đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn chỉnh trình Kỳ họp HĐND tỉnh.

 

 

Chiều 27-11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo kết quả giám sát thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MC-MCLT) trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.

 

Kết quả giám sát cho thấy, tính đến hết tháng 9-2013, toàn tỉnh có 14/20 sở, ban, ngành và 100% huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế MC-MCLT theo hướng dẫn của UBND tỉnh. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí được cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tối thiểu cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; phần lớn công chức có chuyên môn đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu công việc. Tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 9-2013, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1.030 nghìn hồ sơ, số hồ sơ đã giải quyết xong chiếm 99,9%. Tính đến thời điểm giám sát, chưa có cơ quan, đơn vị, địa phương nào nhận được đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp.

 

Bên cạnh những kết đạt được vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính theo cơ chế MC-MCLT; toàn tỉnh còn 6 sở, ngành chưa thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế MC-MCLT; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến quy trình giải quyết các thủ tục hành chính chưa có chiều sâu; một số cán bộ, công chức còn lúng túng trong tổ chức triển khai nhiệm vụ; việc giải quyết một số hồ sơ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, chính sách người có công chưa đảm bảo thời gian quy định… Trước những tồn tại trên, Ban Pháp chế đã có những kiến nghị cụ thể đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương.