Ngày 26-3, đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc tại Đại học Thái Nguyên về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu Công nghiêp hóa - Hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết số 29 nhằm mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...
Tính đến nay, ngành Giáo dục Việt Nam đã tiến hành 3 lần cải cách giáo dục với những mục tiêu và giải pháp cụ thể và đều đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những lần cải cách này đều chưa thay đổi được quan điểm chỉ đạo của việc thiết kế mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và đặc biệt là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá. Trước thực trạng về giáo dục nước ta hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học của chúng ta giống như của các nước khác cách đây 30 - 40 năm trở về trước. Bộ trưởng cho rằng việc thay đổi căn bản phải tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: việc thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới với nguyên tắc "Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên"; Chuyển từ việc dạy và học chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới.
Trên 20 ý kiến của các đại biểu tham dự đã tập trung đề cập đến một số vấn đề như: cần cụ thể hóa nghị quyết bằng việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; đối với một số ngành đào tạo đặc thù cần có cơ chế chính sách riêng trong đào tạo và tuyển sinh như giáo dục nghệ thuật, thể dục thể chất; cập nhật và công khai hóa chuẩn đào tạo cho từng ngành nghề theo khung thống nhất trong toàn quốc, phù hợp với một số quy trình đào tạo tại các nước tiên tiến trên thế giới; quan tâm hơn nữa đến vấn đề cân bằng giới trong phát triển giáo dục đào tạo, nhất là các bậc đào tạo phổ thông cơ sở, trung học phổ thông...
Trước đó, đoàn công tác đã đến làm việc với đội ngũ quản lý Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên về nội dung trên. Tại đây Bộ trưởng nhấn mạnh đối với hệ thống các trường sư phạm thì việc đổi mới giáo dục toàn diện phải được đặt lên hàng đầu và phải tiên phong trong khối các trường đại học.