Thăm, đánh giá mô hình trồng nấm

16:57, 18/03/2014

Ngày 18-3, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức đi thăm một số mô hình sản xuất, tiêu thụ nấm tiêu biểu, đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tỉnh. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí  Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh.

Đoàn đã đến thăm Công ty CP Nấm Phú Gia, xã Hùng Sơn (Đại Từ); Công ty CP Nấm Nhật Sơn, xã Động Đạt (Phú Lương) và trang trại nấm của gia đình ông Vũ Ngọc Quýnh, xã Yên Đổ (Phú Lương). Đây là các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tỉnh giai đoạn 2010-2015 được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm, đồng thời được hỗ trợ 40% giống nấm sản xuất và một phần kinh phí xây dựng hạ tầng.

 

Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, các doanh nghiệp, hộ sản xuất đều vận dụng sản xuất nấm thành công và bước đầu kinh doanh có lãi. Cụ thể, Công ty CP Nấm Phú Gia 100% vốn của nhà đầu tư Đài Loan đã sản xuất 17 loại nấm khác nhau, tạo việc làm cho 35 lao động địa phương và đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; Công ty CP Nấm Nhật Sơn đã phát triển trên 3ha diện tích sản xuất nấm, tạo việc làm cho 37 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng; Trang trại nấm của gia đình ông Vũ Ngọc Quýnh mặc dù mới đi vào hoạt động gần 6 tháng nhưng đã phát triển trên 3 nghìn m2  trồng nấm Mộc nhĩ, sản lượng dự kiến trên 6 tấn đem lại doanh thu gần 200 triệu đồng. Đoàn công tác đánh giá cao hiệu quả của các mô hình sản xuất, tiêu thụ nấm đồng thời ghi nhận để có định hướng cụ thể tiếp tục thực hiện Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Được biết, Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 4-2010. Mục tiêu của Đề án là tổ chức sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo ra hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã phát triển được 7 doanh nghiệp, 7 HTX, 135 hộ nông dân làm nòng cốt trong việc phát triển và tiêu thụ các loại nấm; đã sản xuất được hàng nghìn tấn nấm các loại như: Nấm sò,  mộc nhĩ, nấm Linh chi, nấm Hương…