Bàn giải pháp để ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc Mông

21:07, 19/07/2014

Ngày 19-7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các huyện, xã, xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống...

Tỉnh ta hiện có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 1.520 hộ, 7.775 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc Mông chiếm khá cao, có 29/47 xóm, bản có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 đến 70%. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, địa lý và xuất phát điểm về đời sống kinh tế, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, sinh sống chủ yếu ở những địa hình phức tạp, cách xa trung tâm… nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020”  với tổng kinh phí trên 116,5 tỷ đồng sẽ hỗ trợ 26 xóm, bản của 15 xã thuộc 4 là Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa ở một số nội dung như: xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; cung cấp vật tư, giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi để nâng cao đời sống đồng bào...

 

Ngoài ra, Đề án sẽ từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào Mông về ứng dụng khoa học kỹ thuật, sinh đẻ có kế hoạch, phát huy tinh thần đoàn kết và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kiên quyết đấu tranh với thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Mục tiêu của Đề án là phấn đấu giảm nghèo bình quân mỗi năm 7% trở lên theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Riêng trong năm 2014, Đề án sẽ cơ bản hoàn thành đầu tư một số tuyến đường giao thông đến các xóm, bản theo tiêu chí đường nông thôn mới với số lượng 16 công trình. Trong giai đoạn tiếp theo 2014-2015 và 2016-2020, Đề án sẽ tiếp tục giành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xóm khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống về điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tập trung, lớp học, nhà văn hóa...

 

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí với mục đích, ý nghĩa và nội dung của đề án. Nhiều vấn đề thiết thực đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi như: hỗ trợ giống ngô, phân bón; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả; phát triển trồng rừng; phát triển chăn nuôi trâu, bò; làm đường giao thông nông thôn; xây dựng trường học, công trình điện, công trình nước sinh hoạt tập trung, Nhà văn hóa, hệ thống thông tin, truyền thanh, truyền hình...

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đặng Viết Thuần đã yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Đề án có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc Mông...