Chất vấn thẳng thắn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

18:51, 23/07/2014

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XII, nhiều đại biểu cho rằng, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong các câu hỏi chất vấn so với những kỳ họp trước. Người chất vấn đã thẳng thắn, không ngần ngại đặt những câu hỏi "hóc búa" đối với đại diện các ngành, đơn vị được chất vấn.

Vì sao chậm bố trí kinh phí thực hiện chính sách dân tộc?

 

Đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) hỏi: Đến ngày 30-6-2014, tỉnh ta vẫn chưa bố trí được kinh phí thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu? Những giải pháp thời gian tới là gì?

 

Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Nguyên nhân chính là do ngân sách tỉnh còn khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn đã được UBND tỉnh chủ động phối hợp, chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực để ưu tiên đầu tư hỗ trợ cho các xóm, bản với tổng nguồn lực huy động, lồng ghép từ năm 2012 đến tháng 7-2014 là xấp xỉ 77 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện “Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm khó khăn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”. Đây là Đề án đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý, UBND tỉnh đang hoàn thiện…

 

Vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nghĩa trang Dốc Lim

 

Đại biểu Nguyễn Vũ Thanh Thanh (đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Đề nghị UBND tỉnh cho biết phương án xử lý ô nhiễm môi trường tại nghĩa trang Dốc Lim?

 

Ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Nghĩa trang Dốc Lim nằm trên địa bàn phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) hình thành cách đây 40 năm, được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị quản lý từ trước năm 1989. Do thói quen an táng tự phát và hình thành lâu đời nên đến nay, tỷ lệ lấp đầy của nghĩa trang đạt khoảng trên 95%, nhiều khu vực bị ô nhiễm do rác thải, đồ cải táng vứt bừa bãi. Đối với vấn đề này, UBND thành phố đã quyết liệt chỉ đạo và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị đã cam kết xử lý triệt để. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch mở rộng, cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang đảm bảo môi trường và nhu cầu an táng.

 

Bao giờ khắc phục tình trạng điện yếu ở nông thôn?

 

Đại biểu Dương Đại Đồng (Đoàn Phú Bình) hỏi: Việc điện yếu và mất điện thường xuyên tại các khu vực nông thôn do đâu, bao giờ được khắc phục?

 

Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên trả lời: Do lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận hạ thế dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, cũ nát. Mặt khác, từ ngày 14-5-2014, do sự cố Trạm biến áp 500kv Hiệp Hòa nên khu vực Thái Nguyên phải chuyển sang nhận nguồn điện từ Trung Quốc tới 70%, dẫn đến điện áp khu vực giảm thấp. Sau khi có sự cố, ngành Điện đã thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên. Từ 30-6-2014 đến nay, sự cố trên đã được khắc phục. Tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 11-2014, do có nhiều dự án đầu tư vào huyện Phú Bình và Phổ Yên nên tình trạng mất điện ở khu vực này là vẫn còn (do phải cắt điện để đấu nối vào các dự án).

 

Chậm thi công đường tránh Núi Pháo, lỗi do đâu?

 

Đại biểu Hoàng Văn Nam (Đoàn Đại Từ) hỏi: Dự án đường tránh Núi Pháo (thuộc Quốc lộ 37) hiện triển khai rất chậm. Vậy, lỗi do đâu, ai chịu trách nhiệm chính?

 

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải trả lời: Nguyên nhân Dự án chậm tiến độ là do Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo chưa đáp ứng được nguồn kinh phí chi trả cho các nhà thầu, mặt bằng còn nhiều vướng mắc và địa chất nền đường thay đổi. Vậy, trách nhiệm chính thuộc về Núi Pháo. Giải pháp khắc phục ở đây là: Yêu cầu Công ty Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo thực hiện đúng cam kết về đáp ứng đủ vốn thực hiện Dự án; đề nghị Công ty khẩn trương kiểm đếm, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng...

 

Vì sao Dự án đường Phố Hương chậm tiến độ?

 

Đại biểu Phan Thị Thanh Hằng (Đoàn T.P Thái Nguyên) hỏi: Tại sao Dự án đường Phố Hương đã khởi công cách đây gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa tiếp tục xây dựng?

 

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trả lời: Dự án nâng cấp đường Phố Hương và đường Lưu Nhân Chú được phê duyệt năm 2010 do Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Để hoàn vốn Dự án, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty được đầu tư 2 dự án khu đô thị khác. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa hoàn thiện việc lập dự án và phương án tài chính hoàn vốn dự án BT để trình phê duyệt nên chưa đủ điều kiện đàm phán và ký kết hợp đồng nguyên tắc theo quy định. Do đó, đến nay dự án mới thi công được 20% khối lượng và Công ty đã dừng thi công.

 

Bao giờ hết cảnh cắt mặt đường để thi công cống thoát nước?

 

Đại biểu Nguyễn Vũ Thanh Thanh (Đoàn T.P Thái Nguyên) chất vấn: Việc khoan cắt mặt đường thi công cống thoát nước ở T.P Thái Nguyên khiến đường bị sụt lún, có nơi nắp cống cao hơn nền đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đề nghị cho biết tiến độ thi công và hướng xử lý các vấn đề bất cập nêu trên?

 

Ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Việc khoan cắt mặt đường thuộc Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải T.P Thái Nguyên. Đến nay, Dự án đã thi công được 2,5km/22,2km. Chủ đầu tư phấn đấu hết năm 2014 thi công thêm 10km và hoàn thành dự án vào năm 2015. Về chất lượng thi công, trong đợt nghiệm thu, đánh giá mới đây đã xác định một số đoạn đường bị sụt lún, các nắp hố ga trên tuyến đường Bắc Nam cao hơn mặt đường. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã yêu cầu thi công hoàn trả 1,2km/2km phần mặt đường bị sụt lún và sửa cục bộ bề mặt 0,8km/2km đoạn còn lại để đảm bảo mỹ quan. Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh phương án thiết kế, hoàn trả nền đường theo đúng hiện trạng trước thi công.


Vì sao nợ thuế còn cao?

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (Đoàn huyện Đại Từ) hỏi: Tình trạng nợ thuế khó có khả năng thu hồi của tỉnh còn rất cao. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Trách nhiệm của ngành Thuế ra sao? Có hay không lợi ích nhóm giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp (DN)?

 

Ông Phạm Văn Chức, Cục trưởng Cục thuế tỉnh trả lời: Tình hình kinh tế - xã hội khó khăn khiến hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, khả năng thanh khoản kém, nên các DN không có khả năng thanh toán các khoản nợ, trong đó có thuế; nhiều DN vì thế đã bị giải thể, phá sản, bỏ trốn. Cùng với đó là khả năng quản trị DN và ý thức chấp hành về nghĩa vụ thuế của nhiều DN hạn chế… Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế hiện nay. Trước thực trạng này, ngành Thuế đã có nhiều giải pháp để thu hồi nợ, quản lý nợ để giảm mức nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Ngành Thuế khẳng định không có hiện tượng lợi ích nhóm giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.

 

Giải pháp đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non

 

Đại biểu Mai Thị Thúy Nga (Đoàn Phú Bình) hỏi: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2010-2012, toàn tỉnh đã chuyển 146 trường mầm non bán công sang loại hình công lập. Tuy nhiên, phần lớn các giáo viên này chỉ được xếp lương bậc 1, kể cả những giáo viên lâu năm. Để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ này, đề nghị tỉnh cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên?

 

Ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: Đã có 1.723 người lao động tại các trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh được xét tuyển vào viên chức. Việc xếp lương cho người được tuyển dụng vào viên chức được áp dụng theo đúng quy định. Vì vậy, khi thẩm định hồ sơ của người lao động hợp đồng, UBND các huyện có văn bản đề nghị xếp lương căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của từng cá nhân. Do đó, đa số được xếp lương theo hệ số lương bậc 1 của trình độ chuyên môn và chuyên ngành đạo tạo, một số trường hợp hưởng tiền công thấp hơn hệ số lương bậc khởi điểm.