Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; phí vệ sinh; phí chợ và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là những loại phí được UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh, bổ sung mức thu tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Tuy nhiên, chỉ có một số loại phí cho áp dụng ngay, còn lại sẽ được triển khai trong những năm tới…
Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đệ trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung 4 loại phí nêu trên. Lý do điều chỉnh, bổ sung các loại phí lần này được UBND tỉnh đưa là ngoài các văn bản, chính sách liên quan đã có sự thay đổi thì tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua đã và đang có sự chuyển biến theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người và các khoản chi theo lương đều tăng qua các năm…
Loại phí đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là phí vệ sinh. Hiện tỉnh ta đang thực hiện mức thu theo Quyết định số 39/QĐ-UBND năm 2012 của UBND tỉnh. Theo đó, mỗi tháng, cá nhân cư trú phải nộp 3 nghìn đồng; hộ gia đình không kết hợp kinh doanh có 2 nhân khẩu là 6 nghìn đồng/tháng, hộ có 3 nhân khẩu là 12 nghìn đồng/tháng; 4 nhân khẩu là 20 nghìn đồng/tháng. Nay được điều chỉnh lên lần lượt là 8, 16, 25, 30 nghìn đồng/tháng. Đối với hộ kinh doanh, trạm y tế, khách sạn, nhà hàng…, mức phí điều chỉnh tăng thêm từ 30-100 nghìn đồng/tháng. Do đó, mức phí cao nhất sẽ là 250 nghìn đồng/tháng đối với trường hợp có khối lượng rác thải trên 1m3/tháng.
Đối với phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, mức thu được áp dụng cho thời gian gửi ban ngày, ban đêm và ở từng khu vực khác nhau. Đối với các loại xe trả theo lượt, vào ban ngày, tại khu vực bệnh viện, trường học, chợ, bến xe, ga tầu và các khu vực được cấp phép trông giữ xe theo đúng quy hoạch (gọi tắt là khu vực 1) thì hiện xe đạp là 1 nghìn đồng/lượt; xe máy 2 nghìn đồng/lượt, ô tô dưới 12 chỗ ngồi 10 nghìn đồng/lượt, ô tô trên 12 chỗ ngồi 15 nghìn đồng/lượt, nay được đề nghị nâng lên gấp 2 lần đối với xe đạp, xe máy và ô tô dưới 12 chỗ ngồi. Còn ô tô trên 12 chỗ điều chỉnh tăng thêm 5 nghìn đồng, nghĩa là lên 20 nghìn đồng/lượt. Đối với phí trông giữ các loại xe theo tháng được đề nghị điều chỉnh tăng nhiều nhất, từ 15 nghìn đồng/xe/tháng (đối với xe đạp, xe đạp điện) lên 100 nghìn đồng/xe/tháng; mô tô từ 40 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng/xe/tháng; xe tô tô dưới 12 chỗ ngồi từ 300 nghìn đồng, trên 12 chỗ ngồi từ 400 nghìn đồng/xe/tháng cùng lên 1 triệu đồng/xe/tháng. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, mức thu bằng 50% theo quy định.
Đối với phí chợ, mức điều chỉnh phí sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Nhà nước xây dựng cũng được đề nghị tăng ở tất cả các loại chợ và các vị trí từ 5-50 nghìn đồng/m2/tháng. Tăng nhiều nhất là ở vị trí 1, chợ loại 1 từ 100.000 đồng/m2/tháng lên 150.000 đồng/m2/tháng. Từ vị trí 2 và chợ loại 2 trở đi, mức tăng có xu hướng giảm dần, thấp nhất là chợ loại 3, từ 10.000 đồng/m2/tháng lên 15.000 đồng/m2/tháng.
Cuối cùng là phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Ngoài mức thu 5% trên giá bán 1m3 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng ở những nơi đã có hệ thống cấp nước sạch mà tỉnh ta đã thực hiện (thu trực tiếp trên hóa đơn thanh toán tiền nước qua Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên), ở kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đề nghị thu 1.000 đồng/người/tháng đối với nước thải sinh hoạt được thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (nơi đã có hệ thống cấp nước sạch).
Về vấn đề này, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù các mức phí được đề nghị điều chỉnh lần này phần lớn ở mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính và một số cao hơn khoảng 2 lần so với mức thu hiện nay, nhưng trước mắt, nếu được HĐND tỉnh thông qua, thì UBND tỉnh sẽ chỉ điều chỉnh mức thu của một số loại phí và với mức tăng không đáng kể. Trước mắt, các mức phí điều chỉnh lần này sẽ không tác động nhiều đến đời sống của người dân.