Phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng

19:55, 22/07/2014

Tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung trình kỳ họp, trong đó nhiều đại biểu đã không ngần ngại phản ánh, mổ xẻ các vấn đề thời sự đang được dư luận quan tâm.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

 

Đại biểu Phùng Đình Thiệu (Đoàn Định Hóa) cho rằng: Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu do đóng góp của khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho nhiều. Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Thị Huệ (Đoàn Đại Từ) đề nghị, 6 tháng cuối năm, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nâng mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp trong nước lên tương xứng.

 

Theo đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Đoàn T.X Sông Công), do sản xuất công nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, nên tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là tương đối lớn, chênh nhiều so với số liệu báo cáo của các ngành chuyên môn. Riêng trên địa bàn T.X Sông Công, qua rà soát, 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã có tới 56 đơn vị ngừng hoạt động.

 

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình chính sách dân tộc

 

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ý kiến: Kết quả thực hiện các chương trình chính sách dân tộc của tỉnh đến tháng 5-2014 còn chậm. Cụ thể, Chương trình 135 mới đạt 4,7% kế hoạch vốn mà chủ yếu là trả nợ các công trình đã hoàn thành, chuyển tiếp; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt 17,65% kế hoạch. Các chương trình, quyết định còn lại vẫn chưa triển khai, giải ngân vốn. Đề nghị các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân chậm triển khai và phương án để đẩy nhanh các chương trình này trong thời gian tới.

 

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Minh (Đoàn Phổ Yên) phân tích: Các chương trình chính sách dân tộc triển khai chậm do nhiều nguyên ngân. Ví dụ, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, các địa phương chưa triển khai do văn bản hướng dẫn, quy định nội dung định mức hỗ trợ vừa được các ngành chức năng ban hành trong tháng 6-2014 nên chưa thể giải ngân. Dựa trên định mức hỗ trợ này, Dự án sẽ được triển khai thuận lợi trong những tháng cuối năm. Đại biểu Trương Thị Huệ (Đoàn Đại Từ) đề nghị: Cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong những tháng cuối năm thì mới hoàn thành được kế hoạch đề ra.

 

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Quý (Đoàn T.P Thái Nguyên), thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện khá tốt các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chúng ta chưa đáng giá nhiều đến nội dung này, kết quả chưa đúng với những gì đã thực hiện.

 

Tiếp tục siết chặt quản lý tải trọng, bảo vệ hạ tầng giao thông

 

Đại biểu Cao Việt Hùng và đại biểu Lưu Văn Toán (Đoàn Đại Từ) phản ánh: Trong tháng đầu tiên siết chặt quản lý vận tải trên địa bàn (từ 1-4-2014), số xe vi phạm chở quá tải đã giảm hẳn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường hợp vận tải lại ngang nhiên vi phạm quy định về tải trọng. Phải chăng, đã có sự nới lỏng quản lý vận tải? Đây là lý do chính khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng. Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có một số tuyến đường quan trọng đã bị hư hỏng nhiều đoạn. Đề nghị cần tiếp tục siết chặt công quản lý vận tải.

 

Ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải khẳng định: Việc lưu thông thường xuyên của các phương tiện giao thông có tải trọng lớn hơn tải trọng cho phép của đường là một trong những nguyên nhân gây hư hỏng đường nghiêm trọng. Thiếu tướng Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý vận tải như tuyên truyền, vận động, yêu cầu các chủ phương tiện hạ tải, tháo dỡ thùng bệ cơi nới, xử lý trên 900 xe quá tải, thu nộp ngân sách 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều vướng mắc do trước đây, nước ta cho phép nhập xe trọng tải lớn và một số tỉnh, thành chưa quyết liệt dẫn đến việc xử lý chưa công bằng, đồng bộ.

 

Cũng về khía cạnh hạ tầng giao thông, đại biểu Dương Văn Lành (Đoàn Đồng Hỷ) đã lấy Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên làm ví dụ. Theo đại biểu Dương Văn Lành thì quá trình thi công Dự án trên đã phá vỡ kết cấu mặt đường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nhiều tuyến đường chính của thành phố, gây mất an toàn giao thông. Đại biểu Hoàng Văn Quý và Lê Văn Tâm (Đoàn T.P Thái Nguyên) đồng quan điểm cho rằng: UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để Dự án được triển khai hiệu quả, nhanh chóng, đảm bảo chất lượng các tuyến đường sau khi Dự án được thực hiện.

 

Xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường

 

Thiếu tướng Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh và một số đại biểu khác cho rằng: Các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đã được cấp phép. Tuy nhiên, hoạt động của việc khai thác khoáng sản vẫn gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự. Thực tế, nguồn thu ngân sách từ khai thác, xuất bán khoáng sản thấp và chưa minh bạch, khó kiểm soát khối lượng và doanh thu của các đơn vị khai thác khoáng sản. Do đó, đề nghị tỉnh có biện pháp siết chặt quản lý, kiểm soát từ vấn đề xử lý môi trường lẫn nguồn thu từ hoạt động này. Về nội dung trên, đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) phản ánh: Một số doanh nghiệp cố tình để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, nhất là trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Có lẽ việc xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị vẫn còn quá nhẹ? Những tháng cuối năm cần bổ sung nhiệm vụ: Tập trung kiểm tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp cố tình gây ô nhiễm môi trường.

 

Cũng về nội dung môi trường, ông Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Hiện toàn tỉnh còn 2 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải nên đã gây những ảnh hưởng đáng kể về môi trường. Trước mắt 2 bệnh viện này đang xử lý chất thải lỏng bằng quy trình xử lý hóa chất, còn hệ thống xử lý chất thải rắn đã xây dựng xong, đang chờ kết quả thẩm định để nghiệm thu...