Quy hoạch xây dựng: Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm vùng

07:35, 01/08/2014

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XII đã chính thức thông qua tóm tắt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Mặc dù mới chỉ là bước đầu của công tác quy hoạch, nhưng điều đó đã thể hiện rất rõ quan điểm, tầm nhìn của tỉnh về xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Xét cả về vị trí và vị thế thì tỉnh ta hoàn toàn có điều kiện để xứng đáng trở thành Trung tâm vùng: Là 1 trong 10 đơn vị hành chính thuộc vùng Thủ đô Hà Nội; là trung tâm kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc; cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc bộ; là Trung tâm giáo dục - đào tạo, công nghiệp của vùng; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, vành đai bảo vệ Thủ đô Hà Nội... Tuy nhiên, nếu sự phát triển thiếu quy hoạch chiến lược, thiếu định hướng mang tầm vĩ mô thì dù có điều kiện thuận lợi đến đâu cũng là chưa đủ. Trong khi, Nghị quyết số 37/NQ-TW (ngày 1-7-2004) của Bộ Chính trị chỉ rõ: "... Đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng Trung du và miền núi phía Bắc". Trước đòi hỏi đó, việc quyết định lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 ở thời điểm này dù không còn sớm, nhưng cũng chưa phải đã muộn.

 

Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) thì việc lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên là loại hình nghiên cứu tổng hợp về công tác tổ chức không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mục tiêu là tạo lập môi trường sống tốt đẹp cho người dân. Quy hoạch chỉ rõ, đến năm 2035, Thái Nguyên phấn đấu trở thành tỉnh dẫn đầu cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc về tốc độ phát triển kinh tế, đủ sức để đảm trách nhiệm vụ cùng giải quyết những khó khăn, thách thức trong vùng Thủ đô Hà Nội theo hướng hài hòa, bền vững. Trong quá trình phát triển, mục tiêu đề ra là phải cân bằng giữa đô thị và nông thôn, trên cơ sở bảo vệ môi trường sống, hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu.

 

Quy hoạch cũng cho thấy tầm chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế vùng của tỉnh, trong đó vấn đề đô thị được đặc biệt chú trọng. Dự kiến, đến năm 2035, hệ thống đô thị Thái Nguyên sẽ phân bố theo hướng T.P Thái Nguyên là trung tâm, xung quanh là các đô thị mới nâng cấp gồm: T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, đô thị Núi Cốc, đô thị Yên Bình... Trong đó, T.P Thái Nguyên (đô thị loại I trực thuộc tỉnh) hướng tới là thành phố phát triển thịnh vượng, một cực phát triển phía Bắc của vùng Thủ đô, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại. T.P Sông Công (đô thị loại II) phát triển theo hướng đô thị công nghiệp với bản sắc riêng, là vệ tinh thúc đẩy kinh tế vùng phụ cận tăng trưởng. T.X Phổ Yên trở thành trung tâm tiếp nhận, chuyển giao và lan tỏa công nghiệp hiện đại của tỉnh. Đô thị Núi Cốc phát triển theo hướng khai thác hiệu quả lợi thế du lịch sinh thái vùng hồ Núi Cốc và phía sườn Đông dãy Tam Đảo. Đô thị Yên Bình phát triển theo hướng công nghệ cao và sinh thái, trên cơ sở hình thành đô thị loại V. Ngoài ra, theo quy hoạch còn có một số đô thị khác thuộc các trung tâm huyện lỵ phát triển dựa trên định hướng đạt chuẩn đô thị loại IV, loại V.

 

Trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035, điều đáng quan tâm chính là các chỉ tiêu dự báo theo kế hoạch đề ra. Trong đó, dự kiến dân số sống ở thành thị sẽ chiếm khoảng 50% tổng dân số toàn tỉnh. Cụ thể, đến năm 2035, toàn tỉnh phấn đấu có trên 725 nghìn người sống ở thành thị. Đất xây dựng đô thị phải đạt trên 23 nghìn ha và đảm bảo 240m2 đất xây dựng đô thị/người. Đến năm đó toàn tỉnh phải có từ 19 đến 21 đô thị, trong đó có từ 4 đến 5 đô thị cấp tỉnh. Các chỉ tiêu cấp nước, cấp điện, thoát nước, điện thoại, cây xanh đô thị, đất giao thông... đều đảm bảo tăng ở mức rất cao so với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, Quy hoạch cũng chỉ ra những chỉ tiêu cụ thể đối với các khu dân cư nông thôn. Cụ thể, đến năm 2035 sẽ dành 15.500ha đất xây dựng các khu dân cư và đảm bảo 213m2 đất/người. Các chỉ tiêu quan trọng khác như điện, nước, thông tin liên lạc... cũng được xây dựng tăng nhiều so với hiện tại.

 

"Việc Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 là việc làm hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy hoạch chiến lược trước đó, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả vùng. Ngoài ra, còn là cơ sở để hướng dẫn thực hiện, xây dựng chương trình phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng trong toàn tỉnh theo các quy hoạch được duyệt" - ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng, đại diện đơn vị chủ đầu tư, tổ chức lập quy hoạch, cho biết.