Nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam (10-8), phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Hoàng Đức, Chủ tịch Hội NNCĐDC/điôxin tỉnh về các hoạt động của Hội và kết quả việc quyên góp, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
P.V: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau còn đọng lại là di chứng CĐDC/điôxin khiến cho nhiều cựu chiến binh và người thân đã và đang phải chịu tổn thương cả về thể xác và tinh thần. Xin đồng chí cho biết tình hình của các NNCĐDC trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Đ/c Hoàng Đức: Theo số liệu của các cơ quan chức năng và qua điều tra, khảo sát của các cấp Hội NNCĐDC, tỉnh ta có hàng chục nghìn người bị phơi nhiễm CĐDC/điôxin. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 11.488 người là nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, trong đó gần 1.638 người là nạn nhân gián tiếp. Trong số trên 10.200 hộ gia đình nạn nhân CĐDC, có 136 hộ có 3 nạn nhân, 1.017 hộ có 2 nạn nhân. Vẫn còn khá nhiều người bị phơi nhiễm bởi CĐDC/điôxin nhưng chưa được giám định vì nhiều lý do khác nhau như thất lạc giấy tờ, hồ sơ bệnh tật chưa đầy đủ, một số bị bệnh theo danh mục bệnh tật quy định của Bộ Y tế nhưng thời gian điều trị còn ít nên chưa được xem xét... Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân CĐDC và những người bị phơi nhiễm chất độc hoá học, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã và đang tích cực đề xuất với các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ cho những người bị phơi nhiễm. Đồng thời, Hội cũng tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm làm thủ tục hồ sơ theo quy định của ngành Lao động, TB&XH, ngành Y tế để được giám định hưởng trợ cấp của Nhà nước.
P.V: Đồng chí cho biết khái quát hoạt động và hiệu quả các phong trào thi đua của các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin trong tỉnh?
Đ/c Hoàng Đức: Hội NNCĐDC tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 17-4-2006, đến nay đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ lần thứ II (2013-2018). Hội là một tổ chức xã hội đặc thù được Đảng, Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị xã hội là: Đoàn kết, tập hợp, giáo dục và động viên nạn nhân CĐDC chấp hành nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khắc phục mọi khó khăn vươn lên; huy động mọi tiềm năng của xã hội để giúp đỡ nạn nhân về vật chất và tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, đấu tranh với các công ty hóa chất Hoa Kỳ đòi công bằng, công lý cho họ. Từ năm 2010, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập Hội và tổ chức xong đại hội. Các Hội cơ sở tiếp tục phát triển các chi hội ở tổ dân phố, thôn bản... Đến nay chúng ta có 1.049 chi hội (1.048 chi hội ở cơ sở, 1 chi hội cơ quan tỉnh hội), kết nạp được 11.052 hội viên, 340 hội viên danh dự, 45 tình nguyện viên. Vượt qua khó khăn về nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp Hội đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của các NNCĐDC. Phong trào thi đua "Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam" do Trung ương Hội phát động đã được nhân rộng trong cộng đồng dân cư. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến. Từ năm 2010 trở lại đây Tỉnh hội Thái Nguyên được Trung ương Hội tặng 4 Bằng khen và được xếp trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu cả nước. Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 3 Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể Hội các cấp, cán bộ, hội viên cũng nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, ngành.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC ở tỉnh ta thời gian qua?
Đ/c Hoàng Đức: Nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta luôn quan tâm và có những giải pháp tích cực, hiệu quả để giải quyết những khó khăn, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân cả về vật chất và tinh thần. Trong 2 năm gần đây, các cấp Hội NNCĐDC đã tiếp nhận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, một số tổ chức nhân đạo quốc tế, của Trung ương Hội với tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 4 tỷ đồng, trong đó Hội phát hành đợt xổ số “Vì NNCĐDC”, phát hành thành công cao với tỷ lệ đạt 97,3% tổng số vé bán ra. Năm 2014, Hội đã tiếp nhận và hỗ trợ trực tiếp trên 3,3 tỷ đồng cho các nạn nhân. Ở cấp huyện thành đến nay đã có 7/9 đơn vị thành lập và vận động quỹ đạt kết quả tốt, tiêu biểu là các huyện Định Hóa, Phú Bình, T.P Thái Nguyên. Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã chính thức cho sáp nhập Quỹ Bảo trợ NNCĐDC/điôxin (do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý) và Quỹ NNCĐDC/điôxin (do Hội NNCĐDC/điôxin tỉnh quản lý) thành Quỹ NNCĐDC/điôxin tỉnh Thái Nguyên, góp phần tạo thêm nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc các nạn nhân. Có thể nói, tất cả nguồn lực thu được đều tập trung cho việc giúp đỡ nạn nhân. Riêng 6 tháng đầu năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ làm nhà cho gia đình và các nạn nhân đạt giá trị gần 2 tỷ đồng.
P.V: Năm nay, cả nước kỷ niệm 53 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8), thông điệp mà các cấp Hội NNCĐDC gửi đến toàn xã hội là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Hoàng Đức: Kỷ niệm 53 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để chúng ta đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại bởi cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra đối với môi trường sống và sức khoẻ con người; là dịp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các NNCĐDC cả về vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của NNCĐDC Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhân CĐDC/điôxin Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn NNCĐDC tiếp tục nhận được sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng nhằm đem lại cho họ niềm vui, niềm hy vọng để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!